Trong các sự kiện thể thao quốc tế, đỉnh cao là các kỳ Olympic – Thế vận hội mùa hè. Kỳ gần nhất tại Tokyo, tốp đầu trên bảng xếp hạng huy chương chung cuộc thuộc về Mỹ, Trung Quốc, chủ nhà Nhật Bản. Các vị trí tiếp theo là Anh, Nga, Australia và các quốc gia châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức, Italia… Và không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi những quốc gia này cũng có nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như châu lục.

Thể thao hiện đại, để đạt thành tích cao không đơn thuần dựa trên nỗ lực luyện tập của các cá nhân. Để giành được huy chương Olympic hay giải Vô địch thế giới là kết quả của quá trình đầu tư lâu dài, tốn kém, từ khâu tuyển chọn VĐV tiềm năng, rồi tập luyện suốt thời gian dài, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ… Những môn sức mạnh, có thành tích tuyệt đối như điền kinh, bơi… đều đã tiệm cận đến khả năng tối đa của con người và để cải thiện, dù là 1% giây đòi hỏi rất nhiều yếu tố hỗ trợ, và tất nhiên cũng cần những khoản đầu tư kinh phí khổng lồ, có thể lên tới nhiều triệu đôla cho 1 tấm HCV Thế vận hội.

Để chọn lựa được VĐV đỉnh cao tiềm năng cũng cần có chân đế vững chắc là sự phát triển rộng khắp của thể thao quần chúng, trong đó có thể thao học đường. Người ta có thể căn cứ vào tỷ lệ người dân tập luyện thể thao thường xuyên để đánh giá sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, tập luyện thể thao cũng mang lại sức khỏe – yếu tố hết sức quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dựa vào những căn cứ này, có thể thẳng thắn nhìn nhận thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn chậm chân so với 1 số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia… chứ chưa nói tới châu lục và thế giới.

Thành tựu bước đầu, dễ nhận thấy nhất là các VĐV Việt Nam có tỷ lệ HCV ngày càng cao ở các môn Olympic trong những kỳ SEA Games từ 2015 trở lại đây. Nhưng đó mới chỉ là đấu trường quốc tế thấp nhất, bên cạnh Á vận hội (ASIAD) và Thế vận hội (Olympic). ASIAD gần nhất, chúng ta có 4 HCV, không tăng so với cách đây gần 20 năm. Còn đấu trường Thế vận hội, từ khi hội nhập đến nay đã hơn 30 năm, nhưng TTVN mới chỉ có 1 tấm HCV duy nhất của Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016.

Chúng ta không thiếu những kế hoạch đề án để phát triển sức khỏe tầm vóc của người Việt Nam, hay những mục tiêu hướng tới cho thể thao thành tích cao, đã được nâng tầm trọng điểm từ SEA Games lên ASIAD. Nhưng thực tế thì nhìn đâu cũng thấy khó. Thể thao học đường khó phát triển vì thiếu thốn cơ sở vật chất, từ sân bóng, đường chạy cho đến bể bơi… đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi “tấc đất tấc vàng”. Ngân sách không thể đủ đầu tư cho hàng chục môn thể thao, khiến những nhà quản lý phải có sự lựa chọn VĐV trọng điểm, nội dung trọng điểm, môn thể thao trọng điểm để tập trung thay vì dàn trải. Nhưng vì thế thành tích nếu có vẫn chưa thể khẳng định sự phát triển thực chất của TTVN.

Bài toán đặt ra thì nhiều, cũng không phải không có lời giải, nhưng đưa vào thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác. Khi kinh tế chưa mạnh, lại chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 suốt hai năm qua, thể thao lại càng khó khăn hơn nữa. Khi dịch bệnh được kiểm soát, với chủ trương phòng chống dịch được thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh thực tế, các hoạt động thể thao quần chúng cũng như đỉnh cao đang trở lại, đặc biệt sôi động trong dịp kỷ niệm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Mục tiêu lớn nhất, trước mắt là thành công của SEA Games 31 vào tháng 5 tới, trên cả phương diện tổ chức cũng như chuyên môn. Nhưng đó là mục tiêu ngắn hạn, chúng ta phải hướng đến sự phát triển sâu rộng của thể thao quần chúng, trong từng gia đình, khu dân cư, phát triển mạnh mẽ thể thao học đường song song với nỗ lực xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí bên cạnh ngân sách Nhà nước. Giải được những bài toán đó, là cơ sở để đưa thể thao đỉnh cao phát triển bền vững, và từ đó khẳng định sự phát triển của cả nền kinh tế - xã hội như những mục tiêu đã đề ra./.