Trên sân Sultan Qaboos, ngay phút 14, hậu vệ Hồ Tấn Tài phạm lỗi đập tay vào người Busaidi trong vòng cấm khi anh đã kết thúc tình huống, phá được bóng khỏi khu vực nguy hiểm. Trọng tài ngay lập tức thổi phạt đền nhưng đội tuyển Việt Nam may mắn thoát thua vì cú sút 11m vọt xà của đội trưởng tuyển Ô-man. Nhưng đến phút 59 sau pha nhảy lên đánh đầu, Duy Mạnh lại vung tay vào mặt của Yahmadi, cũng khi kết thúc tình huống bóng. Lần này đội chủ nhà thực hiện thành công quả penalty, ấn định tỷ số 3-1.

Vậy là sau 4 trận đấu của vòng loại thứ 3, đội tuyển Việt Nam đã phải nhận 4 quả penalty (2 lần ở trận ra quân trên sân Ả-rập Xê-út) và 2 trong số đó liên quan đến Duy Mạnh, trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện nay. Chung cuộc, cả hai trận đấu, tuyển Việt Nam đều thua 1-3, dù có bàn mở tỷ số.

Ngay sau thất bại trên sân Ả-rập Xê-út, đã có ý kiến về việc sử dụng tiểu xảo của các cầu thủ Việt Nam và trước chuyến làm khách tại Ô-man, là cảnh báo phải tránh những tình huống có thể dẫn đến penalty. Nhưng những “sai lầm” vẫn cứ lặp lại, dẫn đến thất bại chung cuộc.

Đừng quên Duy Mạnh đang khoác áo Hà Nội FC – đội bóng thành tích hàng đầu của V.League và là trụ cột của các đội tuyển quốc gia vài năm qua. Vậy mà vẫn có những động tác “thừa” như cú vung tay vào mặt của Yahmadi. Tại V.League, những tiểu xảo như vậy là phổ biến và nhiều khả năng qua mắt trọng tài. Nhưng tại vòng loại World Cup, điều hành trận đấu là những trọng tài chuyên môn cao, với sự trợ giúp của VAR. Thói quen tiểu xảo vì thế đã làm hại đội tuyển Việt Nam khi dẫn đến những thẻ phạt và những bàn thua từ chấm 11m.

Lần đầu vào tới vòng loại thứ 3 của một kỳ World Cup là dấu mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam, nhưng cũng tạo nên áp lực rất lớn cho thầy trò HLV Park Hang Seo, với nhiệm vụ phải “có điểm”. Áp lực đã càng lớn hơn cho nhà cầm quân người Hàn Quốc, sau những thất bại liên tiếp và sau những thử nghiệm không thành, như trường hợp trung vệ Thanh Bình ở trận gặp Trung Quốc và tại Muscat, là trường hợp thủ thành Văn Toản trước cầu môn, trong lần đầu ra sân ở đội hình xuất phát của đội tuyển quốc gia.

Luôn có sức ép tâm lý trong thi đấu thể thao, càng tranh tài đỉnh cao thì sức ép càng lớn. Nhưng điều đó không lý giải cho những cú “vung tay trúng mặt” cầu thủ đội bạn, những tiểu xảo vẫn ngấm ngầm được thừa nhận là 1 phần cuộc chơi ở giải bóng đá trong nước, bởi khoác áo đội tuyển quốc gia chính là gương mặt của bóng đá nước nhà ra thế giới và 4 quả penalty có là quá nhiều ?

Trước những đối thủ hàng đầu châu lục, đội tuyển Việt Nam vẫn có những tình huống thể hiện sự xuất sắc của các cầu thủ, như pha chớp thời cơ ghi bàn của Quang Hải vào lưới Ả-rập Xê-út, hay tình huống gỡ hòa 2-2 của Tiến Linh ở trận gặp Trung Quốc. Được thưởng thức bóng đá đẹp cũng là một đòi hỏi của người hâm mộ bên cạnh yếu tố thành tích và những quả penalty sau những pha bóng tiểu xảo chỉ làm thất bại thêm “xấu xí” mà thôi.