“Kinh hoàng” là cảm nhận chung của những người đã chứng kiến pha vào bóng của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng trên sân Thống Nhất tối 23.3.

Chỉ Ngô Hoàng Thịnh mới biết chính xác, pha bay cả 2 chân vào chân trụ của Hùng Dũng là vô tình hay cố ý, nhưng điều đó không quan trọng bằng hậu quả mà nó để lại. Tiền vệ trụ cột của Hà Nội FC và của Đội tuyển quốc gia phải lên bàn mổ với cái chân gãy, phải rời xa sân cỏ khoảng một năm khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Còn Hoàng Thịnh cũng khó tránh khỏi án phạt nặng, ngoài việc 2 trận ngồi ngoài do chiếc thẻ đỏ trực tiếp.

Bạo lực sân cỏ là điều không xa lạ ở bóng đá Việt Nam. Và cũng từ lâu, người ta gọi “Võ League” thay cho tên gọi “V.League” bởi mức độ bạo lực dường như không hề thuyên giảm. Khi các ông chủ đầu tư nhiều tiền hơn vào đội bóng, đòi hỏi về thành tích cũng cao hơn thì các trận đấu cũng trở nên quyết liệt hơn, đi cùng với nó, chấn thương cũng nghiêm trọng hơn.

Bóng đá về bản chất, là môn thể thao tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi sự cạnh tranh quyết liệt và va chạm là khó tránh khỏi. Nhưng khó có thể lấy điều đó để giải thích cho những tình huống vào bóng mang tính “triệt hạ” cầu thủ đối phương, bởi cầu thủ là người có thể chủ động trong hành động của mình.

Vào bóng bằng gầm giày, song phi cả hai chân vào chân trụ, cắt kéo… cùng nhiều động tác gây nguy hiểm khác, nói thẳng, là lối chơi thô bạo và triệt hạ. Cũng không hiểu vô tình hay hữu ý mà mỗi lần có những tình huống phạm lỗi nghiêm trọng, người ta thường nhắc đến SLNA. Hẳn phải có lý do của nó.

Trước Hoàng Thịnh, nhiều cầu thủ trưởng thành từ đây cũng đã nhận những án phạt nghiêm khắc từ VFF, dù cho lúc đó họ đang khoác áo đội bóng nào. Từ Hữu Thắng, Huy Hoàng trước đó cho đến những thế hệ cầu thủ sau này, đều có “điển hình”. Trần Đình Đồng từng bị treo giò với mức án kỷ lục lên tới 28 trận do làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng (An Giang) bằng một cú tắc bóng dọc biên ở mùa giải 2014. Chỉ một năm sau đó, Quế Ngọc Hải đạp vào đầu gối Anh Khoa (Đà Nẵng), khiến cầu thủ này buộc phải giải nghệ. Bản thân Hải “Quế” cũng điêu đứng vì án phạt và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, với một quyết định chưa có tiền lệ.

Một câu hỏi đặt ra là: hơn 20 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, vì sao vẫn có những pha vào bóng như vậy? Bởi trong đầu cầu thủ phạm lỗi lúc đó, đơn giản là làm mọi cách để ngăn cản đối phương, chứ không nghĩ đến hậu quả sau này với bản thân và đồng nghiệp? Hay bởi họ được “dạy” chơi bóng như vậy từ đội trẻ và bởi công khai hay ngấm ngầm, được “ca ngợi” là chơi “máu lửa”, là đá mang “bản sắc”?

Bên ngoài sân cỏ, nếu làm gãy chân người khác, có thể bị truy tố. Nhưng trên sân, có nhiều lí do để biện minh hơn. Và án phạt dù nặng đến mấy, cũng chỉ giới hạn ở số trận treo giò hay số tiền phạt, mặc dù hậu quả của nó có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều một cái chân gãy.

Cầu thủ Duy Mạnh, người từng chấn thương nặng trên sân Thống Nhất cách đây 1 năm, đã thừa nhận mình không kìm được nước mắt khi thấy Hùng Dũng bị chấn thương. Cảm thông với nỗi đau của đồng đội vì Duy Mạnh quá hiểu nỗi ám ảnh mà một cầu thủ chuyên nghiệp phải gánh chịu. Ca phẫu thuật chỉ vài tiếng nhưng sau đó là cả năm dài vật lộn với những bài tập hồi phục vật lý trị liệu, tìm lại cảm giác bóng để trở lại sân chơi đỉnh cao.

Nhưng đấy là nếu có thể. Rất nhiều cầu thủ đã phải giải nghệ hoặc chỉ còn là cái bóng của chính mình sau những chấn thương nặng.

Pha vào bóng nguy hiểm được quyết định chỉ trong phần nhỏ của 1 giây nhưng hậu quả có thể kéo dài cả năm hoặc hơn thế, đó là sự cô đơn khi phải rời xa sân cỏ và nghiêm trọng hơn là một sự nghiệp đổ vỡ. Mọi người đều cầu mong những gì tốt đẹp nhất đến với Hùng Dũng và anh sẽ trở lại sân cỏ. Nhưng điều đó có thành hiện thực không, thì cần thời gian, rất dài.

Cái chân gây ra tình huống chấn thương cho đồng nghiệp, nhưng nó đương nhiên được điều khiển bằng cái đầu của cầu thủ. Và để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tái hiện một lần nữa hình ảnh kinh hoàng trên sân Thống Nhất tối 23.03, cần đến cái đầu tỉnh táo. Ra sân là để thi đấu cống hiến, “máu lửa” hay “quyết liệt” mang lại sự hấp dẫn cho những trận cầu. Nhưng “triệt hạ” thì cần phải xóa khỏi trí não để bóng đá là sân chơi và V.League được gọi đúng tên là V.League. Bóng đá cần chuyên nghiệp từ cách nghĩ. Bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho bạo lực./.