Những ngày này, người dân Hà Nội lại chật vật di chuyển trên các tuyến đường Giải Phóng (đoạn đi qua ngã tư Kim Đồng, bến xe nước ngầm), ngã ba Tam Trinh, đền Lừ, hay là đoạn Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Bởi đây là những địa điểm mà xe dù, bến cóc đang hoạt động mạnh.

Bắt xe, đón xe khách thì phải vào bến, đó là quy định. Thế nhưng, để “thuận tiện” miễn được tiền bến bãi, nhiều xe khách đã chọn cách đón trả khách dọc đường. Vì thế chỉ cần là một quán nước, điểm nhà chờ xe buýt dọc đường cũng có thể trở thành bến đón khách. Các lái xe thì “biện bạch” cho việc đón trả khách dọc đường, nào là xe dù đón khách ở ngoài quá nhiều nên xe trong bến không có khách, muốn gỡ gạc tiền xăng dầu thì bắt buộc phải dừng lại bắt khách, hay không định bắt khách, nhưng đi chậm thì gây ùn tắc cho xe sau và ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác đành phải lúc đi, lúc đỗ…Tất cả chỉ để biện minh cho hành động vi phạm không vào bến, đón khách dọc đường, gây cản trở giao thông ….

Việc xuất hiện bến cóc tại khu vực hành lang an toàn Quốc lộ 1, qua địa bàn huyện Gia Lâm đã được Công an huyện nắm bắt thông tin từ người dân. Lực lượng chức năng đã xử lý và yêu cầu dỡ bỏ lều lán, những nơi hoạt động tiềm ẩn là các bến cóc. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, Công an huyện Gia Lâm không thể cắt cử cán bộ cắm chốt 24/24 nên dẫn đến tình trạng vi phạm lại tái diễn.

Tại khu vực các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, đội CSGT số 6 quản lý địa bàn này chỉ có thể xử phạt lỗi dừng đỗ sai quy định, chứ chưa xử lý được việc đón khách sai địa điểm. Thêm nữa, cứ thấy lực lượng chức năng xuất hiện, lái xe và hành khách lại hẹn nhau vào ngõ, hay sân của các khu chung cư gần đó để đón, trả khách.

Để xử lý nạn xe du bến cóc, ngoài lực lượng CSGT, còn có lực lượng Thanh tra giao thông. Việc thanh kiểm tra đã và đang được triển khai rất bài bản, trên các tuyến đường đều có lực lượng TTGT, nếu có xe vi phạm sẽ xử lý, xe nào không bị xử lý, đội tuần tra trên tuyến đường đó sẽ chịu trách nhiệm.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý xe dù, bến cóc không hề đơn giản. Chúng ta có chế tài, nhưng quy định còn lỏng lẻo, chúng ta có lực lượng kiểm tra, giám sát nhưng nhân sự còn mỏng nên không thể hoạt động thường xuyên trên địa bàn rộng?

Thế nhưng có những địa bàn lực lượng chức năng có thể nói là đủ mạnh sao vẫn tồn tại xe dù bên cóc. Đó là điều rất khó lý giải! Xe dù bến cóc tồn tại ở đâu, hoạt động thế nào người dân đều biết, chỉ trừ lực lượng chức năng không biết? Tình trạng này đã tồn tại hàng chục năm qua, nhưng không được giải quyết triệt để. Có hay không lợi ích nhóm của một số tổ chức, một số cá nhân trong vấn đề này?

Vào những tháng cuối năm, lượng xe lưu thông tại Hà Nội tăng đột biến. Nhu cầu đi lại tăng kéo theo những mối lo về mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Những ngày qua, Sở GTVT Hà Nội đã trình Thành phố một số giải pháp để giải quyết nạn xe dù bến cóc như xây dựng các điểm chờ linh hoạt trong nội đô, kiểm tra giám sát thường xuyên các công ty vận tải trên tuyến cố định… Mọi hoạt động này đều hữu ích, thế nhưng liệu có chấm dứt nạn xe dù, bến cóc vẫn hoạt động tràn lan và gây mất an ninh trật tự an toàn giao thông?

Chừng nào các lái xe, nhà xe còn thấy dễ dàng “lách luật” để gỡ gạc tiền xăng xe; chừng nào hành khách còn thấy đón xe ngoài đường thuận tiện hơn vào trong bến; chừng nào chưa quy rõ được trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi trên địa bàn để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc thì kiểu bắt khách này vẫn tồn tại. Để đảm bảo an toàn giao thông, rất cần Hà Nội quyết tâm, quyết liệt dẹp bỏ nạn xe dù, bến cóc.