Người phụ nữ bất hạnh viết thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình:

Năm nay, tôi 40 tuổi. Tôi lấy chồng đã gần 20 năm. Vợ chồng tôi có với nhau 2 mặt con, cả trai và gái. Cháu lớn đang học lớp 12 trường chuyên của tỉnh. Vì trường ở xa nên cháu trọ lại đó luôn. Cháu bé thì mới học cấp 2. Kinh tế gia đình tôi không dư dả, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, tôi không hề buồn phiền chút nào về chuyện đó, bởi khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Điều khiến tôi buồn là chồng của tôi.

Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên chỉ học hết cấp 3, tôi đã phải nghỉ học để đi làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Rồi tôi quen anh là chồng tôi bây giờ. Vợ chồng tôi không có chung quan điểm sống. Tôi là người bình dị, tính tình vui vẻ, sống hòa đồng và hay giúp đỡ mọi người. Có lẽ vì thế nên đồng nghiệp, hàng xóm xung quanh cũng quý mến tôi. Chồng tôi thì ngược lại. Anh ấy là người ích kỷ, tham lam và lúc nào cũng có thái độ hằn học với mọi người, mọi thứ xung quanh. Chính sự khác nhau quá lớn ấy lại đưa chúng tôi đến với nhau và cũng chính nó khiến cuộc sống gia đình tôi không hạnh phúc. Dù rằng tôi đã nhẫn nhịn nhiều để gia đình yên ấm nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Chồng tôi thường xuyên sinh sự và kiếm cớ đánh đập tôi. Gần 20 năm qua, tôi chẳng thể đếm nổi số lần anh ấy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với tôi nữa rồi. Còn chuyện bạc đãi, chửi rủa, lăng mạ tôi thì cứ như cơm bữa. Chuyện càng tồi tệ hơn khi năm ngoái, công ty anh ấy làm ăn khó khăn nên sa thải một loạt công nhân, trong đó có chồng tôi. Từ ngày đó, anh chỉ ở nhà làm ruộng chứ không xin việc ở đâu nữa. Có lẽ là “nhàn cư vi bất thiện” nên chồng tôi càng đánh tôi nhiều hơn và nặng tay hơn.

Gia đình 2 bên đều biết chuyện và rất bất bình với cách hành xử của chồng tôi. Bố mẹ đẻ khuyên tôi chia tay với chồng cho đỡ khổ nhưng tôi nghĩ đến 2 con, sợ chúng phải mỗi đứa một nơi, rồi đứa thiếu bố, đứa thiếu mẹ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nên vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Gia đình bên nội đã nhiều lần khuyên can chồng tôi mà không được. Đầu năm nay, chồng tôi đánh tôi gãy tay, bố mẹ chồng và các em chồng còn khuyên tôi báo công an vào giải quyết. Thế nhưng tôi không muốn làm to chuyện nên chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt. Và rồi chồng tôi lại “chứng nào tật ấy”. Tệ nhất là mỗi khi tôi vắng nhà, anh ấy còn đánh cả đứa con gái mới mười hai, mười ba tuổi của chúng tôi khiến cháu thâm tím cả tay chân, mặt mũi. Con trai tôi khuyên tôi sống ly thân 1 thời gian. Nếu bố cháu không thay đổi thì tôi ly hôn cho đỡ khổ. Cháu còn bảo: “Con đã sắp học xong cấp 3. Nếu ly hôn mà mẹ không được nuôi cả 2 anh em con thì mẹ cứ nhận nuôi em gái. Con lớn rồi, biết tự bảo vệ mình nhưng em thì không. Với cả, con cũng sắp đủ 18 tuổi, đến lúc đó cần ai nuôi nữa, con có thể tự đi làm kiếm tiền. Mẹ đừng lo!” Có điều tôi chẳng thể làm được. Không phải tôi tiếc nuối gì người chồng đó mà vì tôi sợ xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của các con sau này. Hơn nữa, bố mẹ chồng rất quý trọng và thương tôi, tôi không muốn ông bà phải heo hắt khi về già. Vì vậy, tôi đành chấp nhận tiếp tục sống với người chồng vũ phu ấy.

Nhiều đêm, tôi không thể ngủ nổi. Nghĩ đến chồng, nghĩ đến cách anh ấy đối xử với tôi và con, tôi lại rơi nước mắt. Tôi buồn mà chẳng biết chia sẻ cùng ai, mà nói đúng hơn là tôi không dám chia sẻ. Tôi sợ nhiều người biết chuyện của mình thì “xấu chàng hổ ai”. Ra ngoài, tôi luôn vui cười với mọi người nên chẳng ai biết trong lòng tôi có những vết sẹo không thể lành.

Tôi là người phụ nữ không ngại khó, ngại khổ. Tất cả mọi việc trong gia đình đều do tôi 1 tay lo toan, gánh vác. Vậy mà chồng tôi vẫn đánh chửi tôi. Liệu có phải những gì tôi làm vẫn không khiến anh ấy hài lòng nên mới làm thế? Đôi khi tôi thấy tủi cho phận mình, nhưng lại nghĩ có lẽ cái số mình phải như vậy. Thế nhưng tôi không biết mình sẽ chịu đựng được đến bao giờ? Có phải như con tôi nói rằng tôi là người trong cuộc nên u mê không? Xin bạn nghe đài cho tôi một lời khuyên, giúp tôi có thêm tinh thần và nghị lực để sống tiếp.

Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại bình luận dưới câu chuyện hoặc gọi đến số điện thoại 0243. 934.1139 (trong giờ hành chính)