Trong tâm trạng nặng nề, u uất, một cô gái đang tuổi mới lớn đã viết thư gửi về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" - VOV2 tâm sự:

Năm nay em 17 tuổi, em sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Bố mẹ đều là công nhân đi xuất khẩu lao động. Năm em 5 tuổi, bố em sang Đài Loan lao động. 2 năm sau, mẹ em cũng theo bố sang đó. Từ đó em ở với ông bà ngoại. Đến năm em học lớp 4 thì mẹ có về nước sinh em bé, nhưng khi em của em mới được 1 tuổi thì mẹ lại đi xuất khẩu lao động tiếp, để mặc hai chị em em cho ông bà chăm sóc. Thời gian dài đằng đẵng xa bố mẹ như thế, em cảm thấy rất tủi thân và thiếu thốn tình cảm chăm sóc yêu thương. Mẹ thì quan tâm nên tuần nào cũng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe chị em em, còn bố gọi điện chỉ đếm trên đầu ngón tay, thời gian nói chuyện cũng chỉ được 1,2 phút, đôi ba câu hỏi thăm.

Thế rồi năm 2019, khi dịch Covid bắt đầu bùng phát, bố mẹ em quyết định về nước. Vậy là 10 năm xa bố mẹ, ngày đoàn tụ cuối cùng cũng đã đến. Ngày ra sân bay, tưởng chừng là ngày vui nhất, hạnh phúc nhất sau 10 năm gặp gỡ khi cậu mợ dắt hai chị em em ra sân bay đón bố, em ôm bó hoa to háo hức đứng đợi. Nhưng khi bố mẹ vừa ra, em chạy lại ôm thì sắc mặt của bố rất bình thản, cảm giác như không nhớ nhung gì chị em em, mẹ thì nhanh tay đón nhận bó hoa trong tâm trạng rất vui vẻ. Hôm đó về em đã suy nghĩ rất nhiều.

Cuộc sống khi gia đình sum họp có nhiều thay đổi. Nếu trước đây bố là người chuẩn mực, là người đàn ông của gia đình, yêu vợ chiều con hết mực thì bây giờ bố đã hoàn toàn thay đổi. Bố chỉ biết lao vào kiếm tiền với những cuộc làm ăn lớn. Bố bắt mẹ phải bỏ tiền tiết kiệm của 10 năm đi xuất khẩu lao động tích cóp để đầu tư, để chạy theo những phi vụ bạc tỷ của bố. Mẹ em không đồng ý thì bố đay nghiến, chì chiết, có lần còn đánh đập mẹ em, chửi bới, lăng mạ đủ kiểu, lôi cả ông bà ngoại ra chửi. Em thấy bố thật tồi tệ và vô cùng thất vọng về điều đó. Hình ảnh người bố trước kia của em đã hoàn toàn sụp đổ.

Và rồi điều tồi tệ nhất đã đến, bố đã có người phụ nữ khác. Bố thường xuyên đi qua đêm với một người phụ nữ kém mẹ em 5 tuổi. Không thể chịu đựng được cảnh này nữa nên mẹ đòi viết đơn ly hôn thì bố em dọa nếu mẹ đòi ly hôn bố sẽ đốt nhà. Vì tương lai của chúng em nên mẹ đành ngậm đắng nuốt cay mà tiếp tục chung sống. Chỉ hai năm thôi mà mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt. Em không còn tâm trí tập trung vào việc học nữa.

Đối với bố em bây giờ tiền là tất cả, không có tiền thì cuộc đời chẳng có ý nghĩa. Bố đi với người phụ nữ đó cũng là người có tiền và còn trẻ trung hơn mẹ em. Bố ngày càng gia trưởng, cộc cằn và bảo thủ hơn. Mỗi lần ăn bữa cơm không có đồ ăn ngon hợp ý là không khí gia đình nặng nề và căng thẳng. Bố chửi mẹ: “ Đàn bà đã xấu lại còn không được cái nết gì, tiền nong thì bo bo, cơm nước cũng không biết làm sao ăn cho ngon miệng"… rồi hất văng mâm cơm đi, bát canh bay thẳng vào mặt mẹ em. Mẹ phản kháng lại thì bố xông vào đấm, đá túi bụi. Em cảm giác bố chỉ muốn kiếm cớ để đánh mẹ mà thôi. Bố bảo không còn tình cảm với mẹ em nhưng nhất quyết không ly hôn. Bố muốn hành hạ mẹ em cả đời.

Em không hiểu vì sao lại như vậy, chỉ có lần nghe bố nói bóng gió là em trai em không phải con của bố, và việc bố cư xử như bây giờ là lỗi của mẹ em gây ra. Em có hỏi mẹ nhưng mẹ chỉ bảo “ đừng nghe bố nói linh tinh, bố mày chỉ kiếm cớ giận cá chém thớt nên vành vẻ như vậy. Mẹ cũng không bận tâm mấy lời nói đó vì cũng quen rồi”. Em cũng nghĩ là bố chỉ tìm đủ mọi cách để hành hạ mẹ mà thôi. Còn nếu quả thật em trai em không phải con bố thì ông chỉ cần mang đi xét nghiệm ADN là xong. Em thương mẹ vô cùng và cũng khuyên mẹ “ Nếu không thể chịu đựng được nữa thì hãy chia tay giải thoát cho mình”. Hai chị em em sẽ đi theo mẹ chứ theo bố chắc chắn cũng không có gì là tốt đẹp. Nhưng mẹ em nói tính bố em như vậy, dù có chia tay cũng không thể sống yên. Em rất thương mẹ và không biết nên làm gì để có thể giúp mẹ nữa?

Cảm thông, chia sẻ với tâm trạng của nhân vật, quý vị và các bạn bày tỏ ý kiến của mình bằng cách:

CÁCH 1: gọi điện đến số (024) 3.934.1139 (trong giờ hành chính)

CÁCH 2: gửi mail tới địa chỉ noivoitoivov2@gmail.com

CÁCH 3: để lại bình luận dưới mỗi câu chuyện. (Viết bằng tiếng Việt, có dấu)