Viết thư về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2, người phụ nữ tâm sự rằng cuộc sống yên bình của mình bỗng bị xáo trộn bởi chị chồng. Vốn khi cô về làm dâu, chị chồng đã lập gia đình và ở xa. Ba năm qua, chị chồng - em dâu gặp nhau có 3-4 lần. Trong những năm ấy, cuộc sống của cô rất bình yên, hạnh phúc vì có người chồng hiền lành, yêu thương gia đình, bố mẹ chồng tâm lý, hiểu chuyện. Nhưng mới đây, chị chồng ly hôn và cùng con trai dọn về nhà bố mẹ. Từ đó, những mâu thuẫn giữa hai chị em liên tiếp xảy ra. Khi thì chị chồng xét nét, mỉa mai, không chịu giúp đỡ em dâu làm việc nhà. Khi thì chị chồng làm ầm lên, nói cô ức hiếp mẹ con chị, mà nguyên do là cô đánh mắng khi cháu hư, tự động lấy điện thoại của cô để dùng rồi không trả. Trước những mâu thuẫn của hai chị em, bố mẹ chồng cô cũng không biết phải làm sao cho hợp lý. Còn cô thì băn khoăn tự hỏi không biết mình đã làm gì mà lại bị chị chồng đối xử như vậy?

Sau khi phát sóng câu chuyện, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến thính giả và biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với cô:

"Các cụ ta xưa đã có câu: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” để nói về sự ghê gớm, đáo để, xét nét từ chị/em chồng với chị/em dâu. Và tôi thấy, câu nói này có lẽ thật đúng với hoàn cảnh của bạn hiện giờ. Theo như những gì bạn kể thì từ khi về làm dâu đến nay, bạn chưa từng phải đau đầu vì mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, cuộc sống luôn yên ổn khi có người chồng hiền lành, yêu thương gia đình, bố mẹ chồng thì tâm lý, hiểu chuyện. Vậy mà chị chồng của bạn vừa xuất hiện đã ngay lập tức làm xáo trộn mọi thứ.

Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ không ai có thể tránh khỏi những vấn đề nảy sinh và những va chạm từ các mối quan hệ. Mâu thuẫn khi sống chung với nhau lại càng là điều không thể nào tránh khỏi, bởi mỗi người lớn lên ở một môi trường khác nhau, có tính cách, quan điểm khác nhau. Thế nhưng nhiều người vẫn thường nói “Ta không thể nào kiểm soát mọi chuyện xảy đến với mình, nhưng ta có thể quy định cách ta đối mặt với mọi chuyện như thế nào”.

Bạn đã quá quen với cuộc sống yên bình trong gia đình 5 thành viên nên khi chị chồng và con của chị ấy trở về, bạn cảm thấy bức bối, không quen cũng là điều dễ hiểu. Bởi lúc này, bạn phải sống cùng nhà với chị chồng – người không cùng dòng máu, cũng không dành cho bạn tình cảm yêu thương, chân thành. Có thể vì vừa đổ vỡ hôn nhân nên chị chồng bạn đâm ra khó tính, khó chiều. Hoặc cũng có thể là chị chồng đố kị với bạn, bằng chứng là việc cô ấy so bì rằng khi làm dâu “bao nhiêu công việc phải làm mà có ai đứng ra giúp đỡ gì đâu.”

Những xích mích của bạn với chị chồng như bạn kể trong thư đều không phải vấn đề gì lớn, mà chủ yếu xuất phát từ sự hiểu lầm giữa 2 bên. Thế nhưng trên thực tế, nếu không biết cách cư xử khéo léo thì những mâu thuẫn sẽ liên tiếp xảy ra giữa bạn và chị chồng, và điều đó có thể gây ra những rạn nứt trong mối quan hệ đang tốt đẹp vốn có của bạn và bố mẹ chồng. Hai người đang khiến bố mẹ chồng của bạn và cả chồng bạn rơi vào tình thế hêt sức khó xử, 1 bên là con dâu, là vợ, 1 bên là con gái ruột, là chị gái của mình. Và theo bản năng, người ta thường sẽ thiên vị những người cùng dòng máu với mình hơn. Thế nên điều quan trọng nhất hiện giờ là bạn phải tìm cách xây dựng mối quan hệ hòa thuận với chị chồng. Nhưng phải làm thế nào đây?

Các thính giả đã đưa ra nhiều giải pháp cho bạn. Một số thính giả cho rằng bạn nên nhẫn nhịn, hiểu và thông cảm cho chị chồng, đồng thời bỏ ngoài tai những gì cô ấy nói. Bạn đối xử chân thành với chị chồng thì rồi dần dần, cô ấy sẽ hiểu và không còn khó chịu với bạn nữa. Cách thứ hai là bạn có thể nhờ chồng hoặc bố mẹ chồng hóa giải, điều hòa mối quan hệ của hai bên, để bạn và chị chồng hiểu nhau nhiều hơn. Chỉ khi hiểu được nhau, hiểu về tính cách, con người, suy nghĩ, cảm nhận của nhau rồi thì ta mới có thể có cách ứng xử phù hợp. Còn khi không có sự cố gắng từ cả 2 phía, không có sự tôn trọng lẫn nhau thì việc giải quyết mâu thuẫn gần như là không thể.

Trong trường hợp “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, việc sống chung với nhau quá khó khăn, mâu thuẫn ngày càng nhiều, tình cảm chị em dành cho nhau ngày càng rạn nứt thì bạn cũng có thể cân nhắc đến việc ra ở riêng. Tuy nhiên, bạn nên có sự trao đổi bình tĩnh, rõ ràng với chồng trước đã. Bởi “thuận vợ chồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Hơn thế, chồng bạn là con trai, là trụ cột trong gia đình và cũng là chỗ dựa cho ông bà nên cũng phải rất khéo léo trao đổi với chồng và bố mẹ chồng về việc ra ở riêng, đây là việc “đặng chẳng đừng”, cũng là để giữ tình cảm chị em, gia đình mà thôi".

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần góp ý của thính giả và biên tập viên chương trình tại đây: