Đã bệnh tật, tư tưởng còn không thoải mái vì con dâu ghê gớm, nanh nọc, người phụ nữ lớn tuổi nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết cho nhẹ lòng. Sau khi phát sóng câu chuyện của bà, chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến thính giả. Biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, dù là ở thời đại nào cũng vẫn luôn là chủ đề nóng, là mối quan hệ khó phân xử nhất, chẳng thể nói rõ ai đúng, ai sai nếu chỉ nghe chuyện từ 1 phía. Mẹ chồng – nàng dâu khó hòa hợp với nhau thì cũng dễ hiểu thôi, vì những người cùng chung dòng máu còn có thể có những mâu thuẫn, huống hồ đây là những người xa lạ, có môi trường sống, lối sống hoàn toàn khác lại phải sống cùng 1 mái nhà. Nếu không có cách ứng xử khéo léo thì sự va chạm là không thể tránh khỏi. Thế nên, trong cuộc sống, cả 2 bên đều cần có sự tiết chế, dung hòa với nhau để có được sự hòa hợp tương đối. Có điều, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không phải mẹ chồng – nàng dâu nào cũng có thể làm được như thế.

Các cụ ta từ xưa đã có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Bố mẹ nào cũng mong muốn sinh con ra, nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng rồi lúc yếu đau, có chỗ mà nương tựa trước hết là về tinh thần, sau đó mới là vật chất. Thế nhưng, đôi khi 1 nàng dâu nanh nọc, ghê gớm có thể là nguyên nhân khiến bố mẹ và con cái bất hòa với nhau. Điều đáng mừng là các con đều đứng về phía bà và có một điều không thể phủ nhận là: phận làm con thì chắc chắn phải lễ phép, có hiếu với cha mẹ, dù là con dâu thì cũng vậy. Bố mẹ cô ấy cũng biết là con mình làm sai và tôi nghĩ, ông bà ấy không tán thành những chuyện cô ấy làm. Bằng chứng là ông bà ấy đã xin lỗi gia đình bà, mong gia đình bà cho cô ấy cơ hội sửa đổi. Và bà đã tha thứ, thuyết phục con trai mình cho vợ thêm cơ hội vì thương các cháu. Thế nhưng, như người ta vẫn nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Việc “giơ cao đánh khẽ” như thế thì liệu có phải là cách dạy con tốt không? Để rồi sau đó, con dâu bà vẫn “ngựa quen đường cũ”, vẫn hỗn hào với bà, thậm chí là còn dạy hư cháu nội của bà nữa. Rồi bà lại kêu ca, oán trách con dâu. Đó có khác nào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát?

“Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Khi những mâu thuẫn, xung đột tích trữ từ ngày này sang tháng khác thì chẳng thể tránh khỏi việc mẹ chồng – nàng dâu soi mói, bới móc lẫn nhau. Vậy nên chăng bà cho cô ấy ra ngoài sống riêng để tránh những va chạm không cần thiết? Biết rằng bà đang bệnh tật, cần có người quan tâm, chăm sóc nhưng trước hết, tinh thần của bà phải được thoải mái đã. Chưa nói đến việc con dâu có chăm sóc bà được ngày nào không, chỉ riêng việc mối quan hệ giữa bà và con dâu đã xấu đến nỗi khó có thể cứu vãn thì càng sống chung, tinh thần của bà càng nặng nề hơn thôi. Và sống riêng 1 thời gian, phải một mình chăm sóc cho mấy đứa con, thiếu bàn tay giúp sức của bà, có lẽ cô ấy sẽ nhận ra giá trị khi có bà kề bên.

Bà cũng có thể bảo con trai thay vì gửi hết tiền cho bà thì có thể chia ra, gửi cả cho vợ nữa. Như thế sẽ tránh được chuyện con dâu nghĩ bà xúi giục con trai mình ruồng rẫy cô ấy. Biết rằng mẹ nào mà chẳng thương con, bà nào mà chẳng thương cháu. Nhưng con trai bà đã có gia đình của riêng mình, bà không cần và cũng không nên can thiệp vào chuyện gia đình của con nữa. Sau khi bà đã làm tất cả những điều ấy mà con dâu vẫn không thay đổi thì lần này, hãy để con trai bà tự quyết định xem sẽ làm gì với vợ mình.