Hôn nhân tan vỡ dẫn đến ly hôn, hai con mỗi đứa một nơi, nhưng người phụ nữ trẻ còn cảm thấy đau khổ hơn khi bị chồng cũ và gia đình chồng ngăn cản việc thăm nom con cái. Phải làm gì trong trường hợp này để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình? Biên tập viên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi - VOV2 xin có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Ly hôn là sự giải phóng cho cặp vợ chồng khi không thể chung sống cùng nhau nữa, nhưng trách nhiệm với các con vẫn là của những người làm cha làm mẹ. Sau mỗi cuộc hôn nhân tan vỡ thì chắc chắn một điều rằng người thiệt thòi nhất, chính là những đứa con. Bởi kể từ ngày bố và mẹ chọn rẽ sang hai con đường khác nhau, không còn sống chung một nhà nữa thì con cũng đã mất đi điều quan trọng nhất trong đời mình, đó là gia đình trọn vẹn. Nếu con bị ngăn cản tiếp xúc với cha hoặc mẹ thì sẽ có lỗ hổng tâm lý, khiến sự phát triển nhân cách của trẻ trở nên khiếm khuyết. Nếu thực sự vì con cái, người lớn không nên có hành động ngăn cản như vậy, phải đảm bảo quyền lợi con được gặp gỡ, tiếp xúc nuôi dưỡng tình cảm với cả hai sau khi cha mẹ ly hôn.

Pháp luật cũng quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau ly hôn do hai bên vợ chồng tự mình thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án chỉ định. Khi đó, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời, người được trực tiếp nuôi con không được phép cản trở, ngăn cấm việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại. Trong trường hợp lạm dụng việc thăm nom để gây ảnh hưởng xấu đến con thì người trực tiếp nuôi trẻ mới có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom của bên kia. Do đó hành vi cản trở quyền thăm con là vi phạm pháp luật và luật pháp cũng có các chế tài xử phạt đối với hành vi này bạn nhé.

Tôi băn khoăn tự hỏi, cha mẹ chia tay con cái đã chịu nhiều thiệt thòi rồi, vậy tại sao lại lỡ ngăn cản quyền và nghĩa vụ của nhau? Bởi vậy, để được thăm con khi bị cản trở thì bạn nên tiếp tục nhẹ nhàng thương lượng với chồng và gia đình chồng để đảm bảo quyền lợi thăm con của bạn, đừng vì bị họ ngăn cảm mà mất bình tĩnh dẫn tới những hành động không đúng. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu gia đình chồng và chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con.

Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh chồng và gia đình chồng bạn không còn đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn cũng có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Cơ quan thi hành án sẽ có những biện pháp cưỡng chế buộc chồng bạn và gia đình chồng thực hiện đúng nghĩa vụ theo bản án cũng như theo quy định của pháp luật. Trong chuyện này bạn không làm gì sai, người sai là họ, vì vậy bạn hãy thu thập những chứng cớ để có thể tố cáo anh ta với cơ quan pháp luật khi cần thiết.

Tôi cũng muốn nói với bạn rằng, gia đình nhà chồng bạn có thể chia rẽ mối quan hệ của mẹ con bạn, nhưng không thể chia cách tình cảm của bạn và con, bạn hãy đối xử chăm sóc con với tình cảm chân thành của một người mẹ. Dù có bị ngăn cản thì khi lớn lên con bạn sẽ cảm nhận được tình thương yêu của mẹ dành cho mình, và sẽ tìm về với mẹ. Hãy bình tâm lại, suy nghĩ và ứng xử mọi việc thật khôn khéo bạn nhé. Đừng vì như vậy mà cảm thấy chán nản, buông xuôi mọi việc. Chúc cho mẹ con bạn sớm có ngày được đoàn tụ./.