Chị Thanh Lan từng “ăn nên làm ra” với một cửa hàng kinh doanh đồ trang trí và nội thất trên mặt phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, gần hai năm nay, trước làn sóng mua sắm online, doanh thu của cửa hàng giảm rõ rệt. Không thể cứ ngồi mãi ở cửa hàng chờ khách đến, chị từng bước chuyển sang quảng bá, rồi bán hàng trên một số hội, nhóm của các trang mạng và sàn thương mại điện tử. Doanh thu được cải thiện và tăng dần lên. Kết quả này khiến chị rất vui nhưng có một thực tế khiến chị dù không muốn vẫn phải làm là tạo ra quá nhiều rác thải nhựa, gây tổn hại cho môi trường. “Bán hàng trên sàn thương mại điện tử, tôi thường phải lên đơn, đóng gói, giao cho bên đơn vị vận chuyển. Một số mặt hàng dễ vỡ, tôi buộc phải sử dụng các lớp bảo vệ, như bọc nhiều lớp nilon chống va đập, đóng thùng carton, dán băng dính…”, chị Lan cho biết.

Là nhân viên văn phòng, làm việc theo giờ hành chính, chị Khánh Nguyên, ở Hà Nội không có nhiều thời gian đi lựa chọn các sản phẩm theo sở thích tại các cửa hàng trên phố. Mua bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử vì thế trở thành hình thức mua sắm yêu thích. Chị Nguyên cho biết, ở bất cứ đâu, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, hoặc ngồi tại văn phòng, trong lúc nghỉ ngơi chị cũng có thể tìm hiểu kỹ về giá cả, chất lượng món hàng cần mua và chính sách hậu mãi. Sự tiện lợi đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chị thừa nhận thói quen mua sắm trực tuyến của mình đang vô tình đầu độc môi trường sống. “Mỗi lần nhận hàng người ta gửi đến, tôi bóc mỏi tay. Nào là vỏ nhựa, giấy car-ton, nilon... Bóc xong nhìn xuống là một đống rác. Nhiều khi vứt ra, bản thân mình thấy ngại vì hành vi đó làm ô nhiễm môi trường”, chị Nguyên chia sẻ.

Dưới góc nhìn hiệu quả kinh tế, chị Mai Chi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh giá tích cực về hình thức mua - bán trực tuyến. Tuy nhiên, theo chị, ảnh hưởng của hình thức mua - bán này đối với môi trường cũng rất lớn. Ngoài lượng rác thải nhựa từ bao bì, đóng gói,… việc vận chuyển hàng hóa cũng làm gia tăng lượng khí thải. “Khi mua hàng online, mình không được xem thực tế, không được thử nên đôi khi phải đổi trả hàng do không ưng ý hoặc không vừa kích cỡ. Mỗi lần đổi trả như thế sẽ phát sinh việc vận chuyển qua lại bằng ô tô, xe máy, làm tăng khí thải vào môi trường”, chị Chi chia sẻ.

Thương mại điện tử với nhiều lợi ích, đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà. Song hình thức mua bán này cũng gây tác động tiêu cực tới môi trường. “Nguy cơ rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường từ việc đóng gói, vận chuyển trong thương mại điện tử là vấn đề chúng tôi cảnh báo từ lâu. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với nhiều đơn vị, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, xuyên quốc gia để cùng nhau thực hện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các nhà sản xuất khi tham gia thương mại điện tử”, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết.

Thương mại điện tử được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế số của nước ta. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh và thiếu bền vững, hình thức mua - bán này đang trở thành mối đe dọa với môi trường.