Sáng nay (27/3), Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Tại hội nghị các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Cúm A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Đáng lưu ý, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại (tăng 12 ca so với năm 2022). 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (chiếm 37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (chiếm 24,4%) và miền Trung (chiếm 13,4%). Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.

Thế nhưng, mới chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 170%). Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến với 9 ca.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ tử vong do bệnh dại gia tăng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó mèo của nước ta vẫn còn thấp. Từ đầu năm đến nay mới chỉ có 19 tỉnh, thành triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho hơn 554 nghìn con, chiếm 30% tổng đàn chó của cả nước. Nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai cho công tác này. Bên cạnh đó, tình trạng thả rông chó, không có các biện pháp bảo hộ như rọ mõm vẫn chưa được quan tâm đúng mực từ phía hộ gia đình cũng như chính quyền địa phương, đặc biệt cấp xã, phường, thôn bản. Đây là nguyên nhân căn bản khiến nguồn lây bệnh dại trên chó mèo vẫn tồn tại và không được kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan và thiếu hiểu biết cũng khiến tỷ lệ tử vong do bệnh dại liên tục tăng cao trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 100% số ca tử vong bệnh dại do không tiêm vaccine sau khi bị chó mèo cắn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của người dân (chiếm 43,8%). Ngoài ra, nhiều người còn tin dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại (chiếm 16,4%); không hiểu biết về bệnh dại (chiếm 11%); không có tiền để tiêm phòng (chiếm 8,2%); còn lại trẻ nhỏ bị động vật cắn đã không nói với gia đình.

Từ những khó khăn được các đại biểu đưa ra tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, cần có những giải pháp đồng bộ, liên ngành, đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại các địa phương trong việc quản lý, giám sát và tiêm phòng bệnh dại cho trên 70% tổng đàn chó. Có thể giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, phường thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường các điểm tiêm chủng để người dân dễ dàng tiếp cận khi bị chó mèo cắn. UBND các địa phương có thể xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ người dân nghèo tiêm vaccine phòng dại nếu không may bị chó mèo cắn. Đẩy mạnh truyền thông về bệnh dại để người dân có nhận thức hành vi đúng, tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.