4 lần truy điệu sống, một lần thoát chết gang tấc

Cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc (78 tuổi, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) dáng người nhỏ bé, khắc khổ, nhưng vẫn thoăn thoắt bước chân, giọng nói sang sảng. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mất khi mới được 3 tháng tuổi, mẹ phải gồng gánh nuôi 6 con thơ dại bằng nghề chài lưới, nên từ nhỏ cậu bé Lộc gắn bó với biển, am hiểu từng con sóng, có thể bơi nhiều giờ trên biển.

Năm 20 tuổi (1964), khi đang là xã viên của một hợp tác xã khai thác thủy sản của thị xã Hòn Gai, anh thanh niên Nguyễn Tài Lộc lên đường nhập ngũ, rồi được tuyển chọn gia nhập Đoàn 125 Hải quân, trở thành chiến sỹ của Đoàn tàu không số huyền thoại.

Tối một ngày giữa năm 1967, Nguyễn Tài Lộc và một số chiến sỹ được triệu tập làm lễ truy điệu sống, nhận nhiệm vụ đi trên chuyến tàu mang mật danh số 54 chở 200 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Thêm 3 lần nhận nhiệm vụ đặc biệt như thế, tổng cộng người chiến sỹ trẻ đã có 4 lần được truy điệu sống, nhưng ông đều an toàn trở về.

Ông kể, trong 4 lần đó, 3 chuyến đầu không sao, song tới chuyến thứ 4 thì tàu gặp nạn. Đó là một ngày đầu tháng 7/1967, sau lễ truy điệu sống, đoàn công tác nhận nhiệm vụ chở 200 tấn vũ khí vào huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Khi tàu còn cách bờ vài chục hải lý thì bị lộ. Máy bay, tàu chiến của địch ập đến bắn pháo sáng rực cả vùng biển. Chỉ huy tàu buộc phải ra lệnh cho từng tốp chiến sỹ lặng lẽ rời tàu.

“Tôi và anh Tạp rời tàu ở tốp thứ 2, đêm đó sóng biển dữ dội, bom đạn nổ vây quanh, chúng tôi cố dìu nhau trườn trên mặt biển. Đất liền đã thấp thoáng phía trước mặt thì bỗng nghe tiếng nổ lớn rung chuyển. Thì ra, hai người cuối cùng ở lại đã điều khiển tàu đánh lừa địch cho đồng đội bơi thoát rồi hủy tàu, quyết không cho địch thu giữ được gì. Nhưng cùng lúc đó, một quả bom nổ gần khiến tôi và anh Tạp bị thương nặng. Chúng tôi dìu nhau vào bờ rồi ngất lịm trên vũng máu và được dân quân du kích địa phương cứu sống. Tôi bị gãy xương hàm, mặt bị cháy xám, mắt bị thương nặng, còn anh Tạp thì bị mù cả hai mắt”, ông Lộc nhớ lại.

Hành trình “tìm lại lý lịch”

Kết thúc đợt điều trị, chàng trai Nguyễn Tài Lộc được đưa ra Bắc và tiếp tục làm nhiệm vụ tới năm 1974 thì phục viên trở về địa phương, lập gia đình với một cô gái con nhà vạn chài trên vịnh Hạ Long. Do cả đôi bên đều nghèo khó, nên cuộc sống của họ chỉ có mỗi chiếc thuyền nan làm nơi ở.

Năm 1975, trong một trận bão lớn, chiếc thuyền của gia đình ông Lộc bị sóng đánh chìm tại một cửa hang nhỏ trên vịnh Hạ Long. Toàn bộ tài sản trên thuyền đều bị nhấn chìm, trong đó có giấy tờ liên quan đến quá trình tham gia chiến đấu của ông Lộc. Lúc bấy giờ, vợ chồng ông cũng chẳng quan tâm gì, bởi họ nghĩ, người còn lành lặn là tốt lắm rồi!

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Khoảng hơn chục năm trước, khi đến xem 3 người con (lúc đó là đều là dân quân biển thuộc Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hạ Long) diễn tập bắn đạn thật, một cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh nhận ra ông Lộc. Do biết ông Lộc bị mất hết giấy tờ, bao năm không được hưởng chế độ gì, người cán bộ này đã yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hạ Long hỗ trợ giúp ông đi tìm lại lý lịch của mình.

Tia hy vọng lóe lên, ông Lộc liền chèo thuyền vào bờ vừa vay mượn, vừa xin kinh phí của một số đơn vị tìm về Quân chủng Hải quân để tìm lý lịch quân nhân của mình. Hành trình biết bao gian nan, bởi đơn vị cũ không còn, đồng đội thì mỗi người mỗi nẻo. Bằng sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan chức năng, cuối cùng, ông cũng có được lý lịch, nhận được nhiều danh hiệu ghi nhận quá trình cống hiến của mình.

Bất ngờ niềm vui, bất ngờ nỗi lo

Sự “đổi đời” của gia đình ông Lộc thực sự bắt đầu từ hơn chục năm trước. Trong một chuyến ra thăm làng chài trên vịnh Hạ Long, khi biết về gia cảnh khó khăn của người cựu chiến sỹ Đoàn tàu không số Nguyễn Tài Lộc, một lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã yêu cầu chính quyền địa phương cấp cho gia đình ông một mảnh đất để làm nhà, chuyển hẳn lên bờ sinh sống.

Sau một thời gian làm thủ tục, đến tháng 5/2015, gia đình ông được chính quyền thành phố Hạ Long cấp cho một thửa đất trên 53m2 tại phường Hùng Thắng. Mọi chuyện ngỡ như trong mơ khi được cầm trong tay tấm bìa đỏ, nhưng gia đình ông lại gặp nỗi lo lớn. Bởi dù được cấp đất, nhưng thành phố Hạ Long lại ghi nợ cho gia đình tiền sử dụng đất trên 425 triệu đồng.

“Cả nhà 5 người đang phải ở trọ trong căn nhà hơn chục m2, thiếu trước hụt sau thì với khoản tiền ấy bao giờ mới trả được? Theo quy định của địa phương thì vị trí được cấp đất phải làm nhà cao tầng cho phù hợp quy hoạch đô thị”, ông Lộc kể.

Khi hay tin gia đình ông được cấp đất, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc hỗ trợ 70 triệu đồng và huy động ngày công giúp xây dựng nhà.

Con trai thứ 2 của ông Lộc cũng “liều” vay mượn 500 triệu đồng để cùng bố, mẹ xây căn nhà 2 tầng trị giá hơn 700 triệu đồng vào năm 2017. Ngày khánh thành nhà, nhiều cơ quan, đơn vị đã đến chúc mừng.

Có nhà để ở nhưng phải “ôm” khoản nợ tiền đất, tiền xây lên tới gần một tỷ đồng, nên dù tuổi cao, ông Lộc vẫn ngày ngày cùng các con ra khơi đánh bắt thủy sản với mong ước đỡ đần thêm cùng các con trả nợ.

Cách đây ít lâu, khi thấy khoản vay lãi cao quá không kham nổi, cơ quan chức năng lại thường xuyên gửi “trát” đòi tiền sử dụng đất, ông Lộc bàn với vợ, con bán chiếc tàu nhỏ để nộp, sau đó bán nốt căn nhà để trả nợ.

“Sau khi bán nhà trả hết các khoản nợ, gia đình còn lại được 1,1 tỷ đồng. Với số tiền này, nếu về khu vực nông thôn sẽ mua được đất, làm được nhà.

Nhưng vì các con chỉ biết làm nghề đánh bắt thủy sản trên vịnh Hạ Long, do đó trước mắt gia đình gửi tạm số tiền này vào ngân hàng, thuê nhà ở tạm rồi từ từ tính…”, ông Lộc giãi bày./.
(Theo Báo Giao thông)