Cách đây 50 năm, Liên quân Việt Nam - Lào đã tiến hành và giành được thắng lợi to lớn trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thắng lợi của Chiến dịch đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, tạo thế phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là một địa bàn có giá trị chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế đối với nước Lào, là một hướng chiến lược trong kháng chiến của 3 nước Đông Dương và có tính chất phối hợp với chiến trường chung rất quan trọng, nhất là đối với cách mạng Việt Nam.
Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 15/11/1972. Trải qua 4 đợt chiến đấu, với 244 trận đánh lớn, nhỏ, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của mùa mưa nhưng Quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân dân Lào đã kiên cường đánh lui các đợt tiến công của địch vào khu vực phòng ngự.
Phán đoán đúng âm mưu và thủ đoạn của địch, Thường vụ Quân ủy Trung ương Việt Nam chủ trương: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng Cánh Đồng Chum. Do vậy, phải đẩy mạnh triển khai kế hoạch phòng thủ khu vực Cánh Đồng Chum bao gồm cả tuyến trung gian. “Để chiến dịch giành thắng lợi, Thường vụ Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Công tác hậu cần, tiếp tế có ý nghĩa quyết định vì ta phải tác chiến trong mùa mưa nên phải có kế hoạch thật cụ thể để bất luận trong tình huống nào cũng không để xảy ra bị động” - Cựu chiến binh Hoàng Cao Biền quê ở thôn Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An nhập ngũ năm 1968 thuộc Sư đoàn 32 nhớ lại.
Quán triệt và thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh nhanh chóng triển khai kế hoạch tác chiến và chỉ đạo Mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng phối hợp với lực lượng vũ trang của Bạn mở chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972. Khi ấy, đơn vị ông Biền được trực tiếp tham gia chiến đấu trận đầu tiên tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972, ta và Bạn chủ động tổ chức phòng ngự, kiên quyết không để địch tái chiếm địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972. Cựu chiến binh Hoàng Văn Quyền ở phường Nghi Tân, khối 6, thị xã Cửa Lò, tham gia chiến trường Lào từ năm 1968 cho biết: “Tôi ở tiểu đoàn 43 của tỉnh đội Nghệ An làm nhiệm vụ hành lang, phối hợp với Sư 32 của Bộ giải phóng Cánh Đồng Chum lần 2, nhiệm vụ của chúng tôi quét sạch 2 bên đường cho Sư 32. Tôi bị thương trong trường hợp đi trinh sát điểm 3600, trên đường về bị mìn”.
Nhờ tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và trang bị vũ khí kỹ càng, quân ta và Bạn đã giữ vững thế chiến lược ở Thượng Lào, bảo vệ “sườn phải” cho hai chiến dịch của ta diễn ra ở Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có 5 trung đoàn bộ binh và 10 tiểu đoàn binh chủng. Lực lượng vũ trang của Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực, 6 đại đội binh chủng và 4 đại đội địa phương. Cựu chiến binh Ngô Doanh khi ấy là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 335.
Dựa vào thế trận phòng ngự được ta và Bạn chuẩn bị khoa học, vững chắc với cách đánh mưu lược, sáng tạo, trải qua 179 ngày đêm liên tục chiến đấu, liên quân Việt Nam - Lào đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum. Dù 3 lần bị thương, nhưng cựu chiến binh Ngô Doanh luôn cảm thấy tự hào khi được góp mặt vào thắng lợi lớn của ta và Bạn.
Việc tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trong mùa mưa năm 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng Lào, tạo thế phối hợp hiệu quả với chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972./.