Rừng già U1 một thời che bom, chắn đạn cho người lính, nay lại “cưu mang” ông Bài với bao thử thách “cơm áo, gạo tiền” khi đưa vợ và các con từ tỉnh Nam Định vào đây lập nghiệp.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha tham gia chống Pháp, em trai là thương binh ở vùng quê xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, năm 1966, khi đang là công nhân Xí nghiệp Muối Giao Thủy, đảng viên Đoàn Thanh Bài (lúc đó mới 23 tuổi, đã có vợ và 2 con) tình nguyện nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Trải qua nhiều chiến trường và giai đoạn chiến tranh ác liệt, năm 1966, người công nhân Xí nghiệp Muối Giao Thủy năm xưa trở thành chuẩn úy phụ trách cơ yếu (dịch mật mã, nhận, báo tin tức) cho đơn vị Phòng 2, Phân khu Sài Gòn - Gia Định đóng tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương ngày nay. Sau Mậu Thân 1968, giai đoạn 1969-1975, ông theo đơn vị di chuyển về chiến trường Chiến khu Đ, U1 bám trụ chiến đấu cho tới ngày đất nước thống nhất.

Cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài kể, chiến trường giai đoạn sau Mậu Thân năm 1968 là ác liệt nhất, do địch liên tục xua quân đi càn quét, cho B52 đi rải thảm khắp rừng miền Đông, trong đó có cả khu vực Rang Rang, U1 - nơi đơn vị ông đóng quân. Lúc này, người lính như ông phải biết dựa vào dân để được tiếp tế lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm khác, đồng thời luôn biết dựa vào rừng già đào đường hầm, công sự để che bom, tránh đạn.

Năm 1969, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài suýt hy sinh 2 lần. Một lần xe tăng địch càn qua đường hầm làm hầm bị sập, đè lên người và một lần B52 rải bom làm ông bị thương nơi đỉnh đầu phải điều trị gần 2 tháng. Nay vết thương đó thỉnh thoảng gây chóng mặt, nhức đầu khi “trái gió, trở trời”. “Một chút thương tích thời chiến tranh, khổ cực nằm hầm của tôi có đáng gì so với bao người lính đã ra đi mãi mãi hoặc mình đầy thương tật khi trở về với đời thường” – cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài tâm sự.

Sau ngày 30-4-1975, bộ đội Cụ Hồ Đoàn Thanh Bài tiếp tục công tác tại Tỉnh đội Đồng Nai (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) với chức vụ Chính trị viên Đại đội trinh sát. Đến năm 1984, ông xuất ngũ. Câu chuyện ông kể về việc đưa vợ con từ quê Nam Định vào vùng chiến trường U1 tìm đất lập nghiệp sau ngày rời quân ngũ càng thấm đẫm tố chất bộ đội Cụ Hồ: “Thời chiến thì chắc tay súng, thời bình thì vững tay cày”.

Hòa bình lập lại, vùng đất Cây Gáo - Thanh Bình lần lượt đón nhiều nhóm dân cư đi kinh tế mới. Trong đó, có đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày, Mường… lẫn người Kinh từ mọi miền đất nước vào khai khẩn đất đai. Chỉ trong vòng 10 năm (1975- 1985), vùng đất chiến khu xưa lần lượt thành vườn, thành rẫy. Năm 1984, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài đưa vợ con từ miền Bắc vào vùng đất chiến khu xưa lập nghiệp. Ông đã mua một ha đất để canh tác.

Cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài kể, lúc này vợ chồng ông đã có 3 con gái. Do tiền trợ cấp hưu trí, thương binh chỉ trên 50kg gạo/tháng nên ông phải tranh thủ đi làm thuê cho người dân trong vùng như: thu hoạch nông sản, cuốc đất, phát cỏ, dọn rẫy… kiếm thêm thu nhập. Ông coi việc đó như bù đắp cho vợ, các con những năm tháng ông không được cận kề bên họ vì nặng trọng trách người lính.

Không ngại nắng tháng 2-3 chang chang, trưa tháng 6-7 mưa như trút nước, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài cứ được ai nhờ việc là đi làm lấy tiền công về đong gạo. Tuy vậy, lòng ông vẫn thấy lạc quan và động viên gia đình rằng, cuộc sống khó khăn chỉ là trước mắt nên mọi người cùng ông cố gắng vượt qua. Bởi vì, bản thân ông từng vượt qua cái khó nhất của người lính nơi chiến trường ác liệt, sốt rét, ngủ hầm…

“Hôm nay được ở bên vợ con, còn sức khỏe để lao động, chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất chiến trường xưa thì với người lính như tôi còn gì hạnh phúc hơn” – cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài tâm sự.

Được chính quyền xã Cây Gáo lúc ấy (năm 1994 mới tách thành 2 xã: Cây Gáo và Thanh Bình) mời tham gia làm công tác dân tộc - tôn giáo, vốn là người lính, lại là đảng viên, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài vui vẻ nhận lời. Bởi vì ông tâm niệm, thời chiến tranh, bộ đội bám trụ được rừng, chiến khu là nhờ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số: Hoa, Nùng, Chơro… nên nay giải phóng, việc làm này chính là tạo điều kiện để bản thân ông đáp nghĩa, đền ơn đồng bào.

Xuyên suốt từ năm 1984-2005, cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài được người dân vùng đất Cây Gáo - Thanh Bình đặt cho cái tên thân thương rất miền Nam là Ba Bài. Ông Ba Bài dành nhiều thời gian tuyên truyền, triển khai các chính sách mới về tôn giáo - dân tộc, định canh - định cư, xây dựng đời sống văn hóa mới…

Ông Dương Huyền Lan (70 tuổi, người dân tộc Hoa, ngụ xã Thanh Bình) tâm sự, thời chiến tranh bộ đội Cụ Hồ tốt với dân ra sao thì nay ông Ba Bài vẫn đối xử với dân y như vậy. Cho nên, cái gì khó, chính quyền chưa gỡ kịp thì đồng bào hay đánh tiếng với ông để ông phản ảnh lại. Chính vì vậy, đồng bào Hoa và các dân tộc thiểu số khác rất quý ông, tin và nghe theo lời ông nói, vận động khi địa phương triển khai hàng loạt các công trình liên quan tới đất đai, tiền bạc như: làm đường giao thông, kéo điện, tái định cư…

Còn người có uy tín của xã Thanh Bình Sì Văn Hưng (59 tuổi, dân tộc Sán Dìu) thì bày tỏ, toàn xã hiện có 14 đồng bào dân tộc thiểu số với trên 891 hộ, 4.300 nhân khẩu. Dù là đồng bào Hoa, Tày, Nùng, Khmer, Chơro… mới đến hay về lập nghiệp từ năm 2000 trở về trước, đều biết tiếng và quý ông Ba Bài. Chính vì vậy, khi gặp khó chuyện gì trong công tác dân tộc - tôn giáo, ông đều tìm gặp ông Ba Bài tư vấn, hỗ trợ, tìm giải pháp giải quyết có lợi cho dân nhất.

Ông Lê Việt Trì, Bí thư, Trưởng ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho biết, “Dù tuổi cao, hay đau bệnh, bác Ba Bài vẫn thể hiện rất rõ tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, cuộc sống. Bác ấy thường sâu sát với công việc và có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng địa phương, nhất là các chính sách đối với người dân tộc thiểu số”.

Tháng 7-2022, trời đang nắng thì đổ mưa bất chợt, vết thương chiến tranh hay tái phát làm cho sức khỏe của cựu chiến binh Đoàn Thanh Bài không được như trước. Tuy vậy, ông vẫn cố gắng cùng một số cán bộ xã Thanh Bình đến thăm di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, thăm lại giếng Bộ Đội, bàu rau Muống 17 nơi ông từng ra đó lấy nước, cắt rau về tăng gia thời chiến. Ông luôn cho rằng mình may mắn khi đi qua thời chiến tranh, bom đạn ác liệt nơi chiến trường U1 nên với ông vết thương kia không thấm tháp gì so với sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống bảo vệ vùng đất này. Vì vậy, hễ còn sức khỏe là ông còn cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, khi cần.

Theo Báo Đồng Nai