Nhiều năm trở lại đây, cựu chiến binh (CCB) Bùi Công Hiệp, chủ cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần (phường Long Trường, quận 9, TP Hồ Chí Minh) được người dân trên địa bàn quen gọi bằng cái tên thân mật là “Bồ tát giữa đời thường”. Bởi vợ chồng ông có “tấm lòng vàng”, đã tự nguyện đón nhận, cưu mang, nuôi dạy nhiều em nhỏ là những mảnh đời bất hạnh…

Đến thăm cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần, trước mắt tôi là ngôi nhà 3 tầng khang trang, thoáng rộng. Hàng chục cháu bé đủ các lứa tuổi đang thỏa thích vui đùa trong sân. Một ông già da ngăm đen, tóc ngắn, gương mặt đôn hậu đang hướng dẫn các cháu bé sử dụng đồ chơi và vui chơi. Đó chính là CCB Bùi Công Hiệp.

Đang mải ngắm các cháu nhỏ chơi trò đu quay, tôi giật mình bởi bàn tay ai đó vỗ vào vai, kèm câu hỏi gọn lỏn: “Chú vào thăm cháu à?”. Quay sang, tôi bắt gặp một người phụ nữ luống tuổi, tự giới thiệu tên là Phạm Thị Hoàng Lan, vợ CCB Bùi Công Hiệp. Bà cười nhã nhặn rồi vui vẻ dẫn tôi đi thăm cơ sở nuôi dạy các cháu của gia đình.

Bà Lan hỏi tôi: “Thế cháu của anh ở đâu?”. Tôi cười: “Tôi không có cháu nào ở đây, chỉ là muốn tìm hiểu tại sao người dân ở đây lại gọi vợ chồng anh chị là “Bồ tát giữa đời thường”. Nghe thế, chị Lan cười tươi: “Thiên hạ họ nói vậy, chứ có gì đáng kể đâu, chẳng qua vợ chồng tôi thương các cháu sơ sinh bị bố mẹ bỏ rơi nên đưa về nuôi, cho ăn học, mong sau này các cháu lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”.

Tận mắt chứng kiến hệ thống bếp nấu hiện đại, những chiếc tủ lạnh đựng thực phẩm, rau quả đủ loại, tôi không khỏi ngạc nhiên và cảm phục vợ chồng người CCB giàu lòng nhân ái. Được biết, ông Hiệp vốn là chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 (Quân khu 7), từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau hơn 4 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1983, ông xuất ngũ về địa phương, làm nhiều nghề, từ đạp xích lô, bốc vác, bảo vệ, phụ hồ cho đến sửa chữa điện, nước…

Người CCB già đang hào hứng kể cho tôi nghe về những năm tháng cơ hàn của mình thì trận mưa rào bất ngờ ập đến, rồi có tiếng chó sủa ngoài cổng mỗi lúc một gắt, ông Hiệp vụt chạy ra cổng. Thấy tôi ngơ ngác nhìn theo, bà Lan bảo: “Tiếng chó sủa như vậy chắc ngoài cổng lại có người mẹ nào bỏ con ở đó nên ông ấy phải chạy ra bế cháu vào, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cháu”. Bà cho biết thêm "nhiều đêm, lợi dụng trời tối, có những bà mẹ vội vàng để con mới sinh ngoài cổng của cơ sở rồi nhanh chóng bỏ đi, nên vợ chồng bà cùng các bảo mẫu phải thay phiên nhau túc trực mới kịp bế các cháu vào nhà chăm sóc”. Quả đúng như dự đoán, bà Lan vừa dứt lời thì ông Hiệp người ướt sũng, lom khom bế vào nhà một cháu bé đang thiêm thiếp ngủ. Chứng kiến hình ảnh ấy, tôi không thể cầm lòng, nước mắt cứ thế trào ra...

Câu chuyện cưu mang các cháu bé bị bỏ rơi sau đó mới được vợ chồng CCB Bùi Công Hiệp chia sẻ ngọn ngành. Theo đó, năm 2010, trong một lần vợ chồng ông vào bệnh viện thành phố thăm người thân, chứng kiến một cháu bé bị mẹ bỏ rơi, đang khóc ngặt nghẽo, ông bà liền xin về nuôi. Hai năm đầu, bé hay bị ốm, vợ chồng bà phải thay nhau thức trắng đêm chăm bẵm. Sau đó, một số bà mẹ trên địa bàn do hoàn cảnh khốn khó và một số nguyên nhân khác không thể nuôi được con cũng đến gửi con nhờ vợ chồng người CCB già cưu mang. Đặc biệt, có những bà mẹ lợi dụng đêm tối lặng lẽ bế con bỏ trước cổng nhà ông. Vì thương các cháu bé, vợ chồng ông quyết định thành lập cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần ngay tại chính ngôi nhà 3 tầng của gia đình. Tháng 10-2010, cơ sở này được cấp giấy phép hoạt động.

Theo chia sẻ của CCB Bùi Công Hiệp, việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu nhỏ hết sức vất vả, vì các bé đều suy dinh dưỡng. Hằng ngày, các bảo mẫu của cơ sở phải chạy đôn chạy đáo đi xin sữa của những bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Ngoài ra, các bé thường bị bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa; có cháu mắc bệnh hiểm nghèo, phải nhập viện 3 đến 4 lần/tháng; điều trị rất tốn kém. Hiện cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần nuôi dạy gần 90 cháu, trong khi chỉ có 10 bảo mẫu nên hai vợ chồng ông Hiệp phải thay nhau thức để chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.

Mặc dù hằng ngày bộn bề với công việc của một giám đốc xưởng sửa chữa cơ khí, nhưng nhiều công việc như nấu ăn, đưa đón các cháu đi học, ông Hiệp đều chủ động làm. Ngoài việc trả lương cho các bảo mẫu, mới đây, ông còn đầu tư hơn 500 triệu đồng mua hệ thống bếp nấu ăn hiện đại, 10 tủ lạnh, xây bể bơi nóng lạnh, có thiết bị lọc, xử lý nước bảo đảm vệ sinh, hệ thống đồ chơi cho các bé. Các cháu lớn ở đây đều được học văn hóa, tiếng Anh, bơi lội, võ thuật và học kỹ năng sống…

Tính đến tháng 10-2019, cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần có 3 cháu học lớp 2; 12 cháu học lớp 1 và 18 cháu học lớp lá… Tôi càng khâm phục, kính trọng người CCB già Bùi Công Hiệp khi biết gia đình ông đang dự định tặng các cháu nhỏ của cơ sở cả trụ sở là ngôi nhà 3 tầng trên diện tích đất rộng, tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Thật là một tấm gương tiêu biểu, một việc làm nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng.

(Theo qdnd.vn)