Đó là câu chuyện về người cựu chiến binh Lê Văn Cư (SN 1948) ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Sinh ra khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Lê Văn Cư lên đường nhập ngũ, tham gia vào Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn với nhiệm vụ lái xe.

Trong hơn 8 năm chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ vận tải trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, người lính vận tải trẻ đã hăng hái tham gia vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường.

Năm 1976, ông Cư xuất ngũ, trở về sống một cuộc sống bình dị trên mảnh đất quê hương. Tại đây, ông gặp gỡ bà Trương Thị Lệ, một nữ thanh niên xung phong cũng vừa trở về sau những ngày chiến đấu trên chiến trường. Hai người có tình cảm, nên nghĩa vợ chồng rồi có với nhau 5 người con.

Đi qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, hơn ai hết, vợ chồng người cựu chiến binh Lê Văn Cư cảm nhận rõ sự hy sinh, mất mát mà chiến tranh để lại. Ông là bệnh binh, chịu ảnh hưởng chất độc da cam, vợ ông cũng là thương binh, bị thương khi đang chiến đấu trên tuyến đường 16 - Thống Nhất. Cũng bởi vậy mà trong tâm trí của ông Lê Văn Cư luôn khắc khoải về những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, chưa bao giờ ông vơi đi nỗi đau khi chứng kiến các đồng đội của mình ngã xuống.

Để phủ lấp khoảng trống ấy, ông Cư đã quyết định dành quãng thời gian còn lại của cuộc đời để chăm sóc những mộ phần tại nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc (xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch), công việc quản trang này cũng đã gắn bó với ông Cư hơn 30 năm nay.

Trọn nghĩa tình đồng đội

Nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc nằm giữa một rừng thông xanh mát, là nơi yên nghỉ của 563 liệt sỹ, là những người con của Quảng Bình và mọi miền đất nước đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi đang tham gia chiến đấu trên cung đường Hồ Chí Minh.

“Tôi cũng là một người lính, cũng từng chiến đấu và chứng kiến những hy sinh, mất mát trên chiến trường. Với tôi, sống sót trở về đã là điều may mắn, bởi nhiều đồng đội đã ngã xuống, nhiều người vẫn còn nằm lại ở đâu đó. Tôi muốn làm một việc gì đó cho đồng đội tôi, cho những người đã hy sinh, vì vậy tôi quyết định làm quản trang của nghĩa trang liệt sỹ này. Tôi muốn chăm sóc mộ phần các liệt sỹ, trọn nghĩa tình đồng đội nốt quãng đời còn lại của mình” - ông Cư tâm sự.

Đối với người dân tại xã Vạn Trạch, hình ảnh về người cựu chiến binh già Lê Văn Cư hằng ngày vẫn miệt mài chăm sóc những hàng mộ ở nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc đã là điều không còn xa lạ. Với bước chân tập tễnh, chậm rãi ở tuổi xế chiều, người cựu chiến binh ấy mỗi ngày vẫn lặng lẽ lần bước qua từng ngôi mộ, tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ dại, lau từng vết bụi phủ mờ trên những tấm bia.

Ông Hoàng Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho hay, ông Lê Văn Cư nhận làm quản trang nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc từ năm 1990. Việc làm của ông cũng đã được chính quyền và người dân xã Vạn Trạch rất ghi nhận.

“Ông Cư đã gắn với nghĩa trang liệt sỹ suốt một thời gian dài, dù tuổi đã cao nhưng ông luôn tận tuỵ trong công việc, luôn dành trọn nghĩa tình cho các liệt sỹ đã ngã xuống. Ông luôn là tấm gương để người dân và thế hệ trẻ noi theo, tiếp tục thực hiện tốt công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa”, ông Hoài nói.

(Theo dantri.com.vn)