“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trải qua 60 năm lịch sử, các lực lượng Quân khu 3 luôn ghi nhận và thể hiện sự quan tâm, tri ân công lao, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là khẳng định của đại tá Nguyễn Nam Tiến, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 3 qua cuộc trò chuyện với Phóng viên VOV2:

PV: Thưa ông, Quân khu 3 gồm nhiều tỉnh thành mà “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đi qua. Ông đánh giá như thế nào về vị trí chiến lược của các địa phương này khi tổ chức các chuyến vượt biển chi viện sức người, sức của, vũ khí cho chiến trường miền Nam?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Quân khu 3 có 5 tỉnh thành phố có biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều đoàn tàu xuất phát từ Hải Phòng và Quảng Ninh, đặc biệt bến K15 được chọn là nơi xuất phát. Trong thời điểm ấy các lực lượng vũ trang Quân khu 3 đã chi viện sức người, sức của, vũ khí...từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam. Quân khu 3 kết với Quân chủng hải quân đã tuyển chọn các thủy thủ lành nghề cung cấp cho “Đoàn tàu không số”. Nhiều nhà máy của thành phố Hải Phòng đã đóng các con tàu bằng gỗ, bằng sắt chi viện cho tuyến đường này. Bên cạnh đó tổ chức thiết lập nhiều bến đậu ở các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồ Sơn...thực hiện tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, trang bị hàng hóa vào chiến trường miền Nam.

PV: Theo ông dịp kỷ niệm 60 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” năm nay có ý nghĩa như thế nào khi xu thế toàn cầu hóa đang tác động toàn diện trên bình diện quốc tế, đặt ra những yêu cầu mới cho đất nước?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Đợt kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh thách thức thì đây cũng là cơ hội rất lớn để giáo dục khát vọng truyền thống lịch sử cho các thế hệ các cán bộ chiến sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là ý chí kiên cường, sự sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, “Đoàn tàu không số” đã làm nên kỳ tích chi viện cho chiến trường miền Nam. Qua đó khẳng định ý chí quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cán bộ chiến sĩ không ngại hy sinh gian khổ. Đây cũng là bài học để lại giáo dục truyền thống cho cán bộ chiến sĩ sau này, dù bất cứ hoàn cảnh nào luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Bài học này đã được minh chứng trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

PV: Có thể nói với ý chí kiên cường, sự sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương,“Đoàn tàu không số” đã làm nên kỳ tích lịch sử?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: “Đoàn tàu không số” có vai trò rất to lớn trong bối cảnh khó khăn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước yêu cầu của cách mạng, “Đoàn tàu không số” được triển khai, tổ chức thực hiện chặt chẽ, bí mật, vượt qua muôn trùng gian khổ, kể cả những điều kiện tự nhiên của biển cả như thời tiết...; vượt qua cả sự săn lùng truy đuổi của đế quốc Mỹ. Chúng ta đã tổ chức tốt luồng vận tải để bảo đảm sự chi viện miền Bắc cho miền Nam, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

PV: Nhân kỷ niệm 60 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, Quân khu 3 tổ chức những hoạt động đặc biệt gì thưa ông?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Quân khu 3 đã tham gia vào Hội thảo cấp Bộ quốc phòng. Quân khu có 2 bài viết rất quan trọng của đồng chí lãnh đạo thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu là đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh quân khu và bài của đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trong Hội thảo. Quân khu phối hợp với truyền hình địa phương và báo chí 5 tỉnh có biển tổ chức các hoạt động tuyên truyền sự kiện này. Các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu tổ chức triển khai tuyên truyền trực quan qua hệ thống palo, bảng ảnh... Bộ đội các phân đội tham gia đọc bài tham luận của đồng chí Chính ủy Quân khu, theo dõi các sự kiện trên phương tiện thông tin đại chúng trong các đợt sinh hoạt, giáo dục tuyên truyền.

PV: 60 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động tới cuộc sống, vậy dịch có ảnh hưởng gì tới công tác tri ân không thưa ông?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, các lực lượng Quân khu 3 vẫn tiến hành tốt các hoạt động tri ân. Quân khu được sự ủy quyền của Bộ quốc phòng, tổ chức chuyển quà cho các đối tượng chính sách đồng thời Quân khu trích quỹ vốn thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”. Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 3 tổ chức thăm hỏi 3-5 gia đình là các đồng chí nguyên là cán bộ của “Đoàn tàu không số” và thân nhân các gia đình liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong quá trình hoạt động làm nhiệm vụ.

PV: Hiện tại đời sống của các cán bộ, chiến sĩ tham gia “Đoàn tàu không số” như thế nào, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Với các cán bộ, chiến sĩ tham gia “Đoàn tàu không số”, nhiều đồng chí đã được tuy tặng, phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí phát triển thành cán bộ lãnh đạo chỉ huy quản lý của Quân chủng hải quân. Thời gian qua, Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng ban hành nhiều chính sách, thực hiện theo quyết định 162, 142 và nhiều quyết định khác với các đối tượng tham gia kháng chiến. Theo đó căn cứ tình hình cụ thể của từng đồng chí tham gia tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển để giải quyết theo đúng chế độ. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Quân khu 3 kết hợp cùng Quân chủng hải quân có nhiều chương trình phối hợp hỗ trợ các cựu chiến binh, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi các đồng chí đã tham gia “Đoàn tàu không số”. Qua kiểm tra theo dõi, hiện mức sống của các đồng chí tham gia “Đoàn tàu không số” đều ở mức trung bình trở lên.

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh dưới đây: