Thầy giáo Đinh Đức Lâm sinh năm 1945 trong gia đình thuần nông có truyền thống cách mạng ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Mặc dù khó khăn nhưng được gia đình tạo điều kiện, cậu bé Đinh Đức Lâm học hết cấp 2 rồi thi vào trường trung cấp sư phạm tỉnh Hải Dương rồi được phân công dạy ở trường Trung học phổ thông cấp 2 xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 1967 khi 22 tuổi, thầy giáo Đinh Đức Lâm đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện lệnh tổng động viên thanh niên lên đường hành quân chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, năm 1968, thầy giáo Đinh Đức Lâm đã xếp bút nghiên, tạm xa những học sinh thân yêu, lên đường vượt Trường Sơn vào mặt trận miền Đông Nam Bộ. Chỉ chưa đầy 2 tuần vào chiến trường, chiến sĩ Đinh Đức Lâm đã cùng đồng đội đánh trận vào các căn cứ địch, nhiều lần cận kề với cái chết nhưng ông và đồng đội đều anh dũng chiến thắng. Với những chiến công anh dũng, thầy giáo - chiến sĩ Đinh Đức Lâm được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Những năm tháng chiến tranh, mặc dù chiến đấu ác liệt và gian khổ nhưng chiến sĩ Đinh Đức Lâm vốn là thầy giáo dạy văn đã không quên dành thời gian hiếm hoi để viết nhật ký. Hồi ức về những trận đánh, từ chuyện đồng đội hy sinh, đổ máu cho đến bản thân tác giả bị thương cũng được thầy giáo viết lại một cách mạch lạc và khúc triết. “Khi mà tiếp xúc với cuốn nhật ký này thì tôi thấy nó rất riêng. Trước hết nhân vật là một thầy giáo làng ra trận, sau đó chính tác giả cũng bị thương và viết nhật ký trong thời gian dưỡng thương. Lần đầu tiên cuốn nhật ký hé lộ rằng một chiến sĩ quân giải phóng bị thương thì được cứu chữa như thế nào, lộ trình băng bó, đi phẫu thuật rồi chuyển đi an dưỡng như thế nào thì trong nhật kí nói rất rõ. Trước đây thì chưa có cuốn nhật ký nào viết về điều đó..”- Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng đã nhận xét như thế về cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”. Có thể nói, dù đã tiếp xúc với nhiều cuốn nhật ký trong chiến tranh nhưng cuốn "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng "đã để lại nhiều cảm xúc với đại tá Đặng Vương Hưng.

Năm 1970, trong một trận đánh trực diện với quy mô lớn, đơn vị của thầy giáo Đinh Đức Lâm đã tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn lính Mỹ ở căn cứ thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Nhưng khi rút quân, Đinh Đức Lâm bất ngờ bị quả đạn cối của địch nổ cách vài mét, phá nát cánh tay trái và một ngón tay phải. Ngay lúc đó chiến sĩ Đặng Đình Kiền đã phát hiện kịp thời băng bó vết thương và cắt đường xuyên rừng đưa Đinh Đức Lâm ra vùng an toàn. Những ngày tháng dưỡng thương và diễn biến ở chiến trường đều được nhà giáo Đinh Đức Lâm ghi lại trong cuốn nhật ký thể hiện tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm và tình đồng chí đồng đội thương yêu sống chết có nhau. Những trang đầu tiên của nhật ký, nhà giáo, thương binh Đinh Đức Lâm viết về trận chiến mà ông cứu đồng đội Lê Văn Thụ rồi chính ông là người cõng bạn đi trong bom đạn ác liệt. Trận đánh năm 1970 vô cùng ác liệt, giặc đông như kiến nhưng bị quân đội giải phóng đánh bất ngờ nên quân địch chết như ngả rạ.

50 năm sau cuộc chiến, giờ đây thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã cống hiến những năm tháng còn lại cho ngành giáo dục tỉnh Hải Dương. Ông luôn đau đáu về những năm tháng chiến đấu cam go, ác liệt nên thường tìm về những người bạn chiến đấu năm xưa. Năm nào, gia đình nhà giáo Đinh Đức Lâm cũng về thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng ở Đông Hưng, Thái Bình, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Lê Văn Thụ, người đồng đội được ông kể trong cuốn nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng". Cuốn nhật ký của nhà giáo, thương binh Đinh Đức Lâm đã xuất bản và thuộc tủ sách của "Quỹ Mãi mãi tuổi 20" để nhân lên những giá trị lịch sử và nhân văn cho thế hệ sau.