Sinh trưởng trong gia đình đông con ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân vốn thông minh, lanh lợi từ nhỏ. Ông sinh năm 1936, được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, đến tuổi trưởng thành, ông làm chủ nhiệm HTX gạch ngói. Năm 1968, theo lệnh tổng động viên, ông hăng hái lên đường nhập ngũ vào đơn vị C21 E20,trung đoàn Cửu Long, Quân khu 9 với chức vụ Chính trị viên đại đội. Cũng từ đó, mọi liên lạc của ông với gia đình, vợ con chỉ là những lá thư với những dòng chữ viết vội trên đường hành quân. Nhắc tới đồng đội đã hy sinh, CCB Trần Quốc Phú kể: “Tôi làm quân lực cho đại đội trinh sát trung đoàn 20. Tôi với anh Nguyễn Mạnh Quân nhập ngũ năm 1973. Anh em sống chết có nhau, chia sẻ nỗi nhớ nhung gia đình, coi nhau như anh em ruột thịt”.

Đơn vị của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân hành quân qua Lào, Campuchia và Kiên Giang. Tại đây, các anh đã chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. Ngày 10/2/1974, trên đường đi thăm và động viên anh em trong trung đội, đồng chí Nguyễn Mạnh Quân bị giặc tập kích pháo sáng bắn chìm xuồng chiến đấu. Một viên đạn của địch trúng đầu khiến ông ngã xuống nước. Nghĩ đồng chí Quân chưa chết nên giặc đứng trên bờ canh chừng 3 ngày sau mới bỏ đi. Khi đó, thi thể liệt sĩ Quân được vớt lên giao cho đơn vị chôn cất tại nghĩa trang 6 Kim, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. "Ở chiến trường không có quan tài chôn cất liệt sĩ nên sau giải phóng mới cải táng. Nỗi đau mất đi người chỉ huy, người đồng đội của tôi thật không thể nào tả xiết"- CCB Trần Quốc Phú bày tỏ.

Sau khi hòa bình lập lại, theo chủ trương của Nhà nước, các liệt sĩ ở nghĩa trang nhỏ lẻ được gom về nghĩa trang lớn của địa phương. Vì thế liệt sĩ của C21, E20 trung đoàn Cửu Long,quân khu 9 được di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân nằm trong số các liệt sĩ được quy tập. Tuy nhiên, do thất lạc thông tin trong quá trình di chuyển nên nhiều ngôi mộ mất tên hoặc không đủ chính xác thông tin.

Rất may, thông tin về hài cốt các liệt sĩ của C21, E20 Trung đoàn Cửu Long di chuyển về nghĩa trang tỉnh Kiên Giang được thông báo trên trang Facebook của những người lính cựu của Trung đoàn E20. Và qua mục "Đi tìm đồng đội", chị Đoàn Thị Yến, con dâu liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân thấy được thông tin về cha chồng mình. “Một mình tôi khoác ba lô lên đường. Tôi chỉ nói với mẹ chồng là con đi tìm bố. Tôi vào Kiên Giang và đến nghĩa trang thì có 173 ngôi mộ liệt sĩ được chuyển lên đây nhưng không thấy tên của bố. Lúc ấy thực sự thất vọng. Tôi ngồi ôm một ngôi mộ khóc, rồi đi thắp hương cho các ngôi mộ khác ở nghĩa trang"- Chị Đoàn Thị Yến kể.

Sau khi vào nghĩa trang thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nhưng không xác định được chính xác hài cốt của bố chồng, theo tư vấn của đồng đội và Ban quản lí nghĩa trang, chị Đoàn Thị Yến tìm đến Cục người có công- Bộ LĐ TB&XH để xin xét nghiệm ADN cho người cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân. Thật may mắn là sau thời gian chờ đợi, gia đình liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân đã có được những thông tin xác nhận trùng khớp mẫu ADN.

Nhờ sự tận tình, chu đáo của Ban Liên lạc cựu chiến binh E20 Quân khu 9, gia đình anh Bạch- chị Yến cùng với 7 gia đình liệt sĩ khác đã xác định đúng danh tính của các anh. Những ngôi mộ không tên đã được gắn biển và phủ cờ Tổ quốc, thân nhân và gia đình liệt sĩ cũng đỡ buồn tủi phần nào. "Niềm vui như vỡ òa khi tìm được người đồng đội của tôi. Vui sướng là tìm được anh Nguyễn Mạnh Quân, chính trị viên của đơn vị. Vợ anh Quân đã hơn 80 tuổi giờ chỉ mong tìm được hài cốt chồng để thắp nén hương tưởng nhớ anh" - CCB Nguyễn Viết Trì, Ban liên lạc CCB E20 Quân khu 9 bày tỏ.

Vậy là sau 50 năm, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Quân đã được nằm trong lòng đất mẹ quê hương, thỏa nỗi nhớ mong của gia đình sau mấy chục năm xa cách. Mong rằng sẽ có thêm nhiều liệt sĩ được tìm thấy để vơi bớt nỗi đau của thân nhân gia đình các anh./.