Sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, chứng kiến những tội ác của giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước, hai người thanh niên xuất phát từ làng quê Cẩm Giàng, Hải Dương đã cùng nhau xung phong ra trận. Họ là Trần Đức Thìn và Nguyễn Văn Uy. Thế nhưng khi hòa bình lập lại, ngày trở về không trọn vẹn niềm vui khi người còn người mất. May mắn sống sót trở về nhưng cựu chiến binh Trần Đức Thìn thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 141, Sư đoàn 2 vẫn luôn canh cánh nỗi lòng khi còn đồng đội nằm lại nơi chiến trường năm xưa.

“Đó là trận đánh diễn ra vào ngày 26 tháng 5 năm 1971 tại địa điểm cách thị trấn Đồng Hến (tỉnh Savannakhet, Lào) khoảng 3-4 km” - cựu chiến binh Trần Đức Thìn nhớ lại. Khi ấy, Tiểu đoàn 4 của ông nhận lệnh của chỉ huy Trung đoàn cử hai Đại đội, một Đại đội bộ binh và một Đại đội hỏa lực, luồn ra phía sau thị trấn Đồng Hến để phục kích chặn đánh quân địch.

Trước đó, ông Trần Đức Thìn và ông Nguyễn Văn Uy cùng nhập ngũ một ngày vào 28/4/1970, cùng được huấn luyện tại Tiểu đoàn 629, Trung đoàn 2 ở Hải Dương. Sau đó tới ngày 10/10/1970, hai ông cùng đơn vị lên đường vào Nam tham gia chiến đấu.

Trong trận đánh vào thị trấn Đồng Hến, hai ông ở cùng Đại đội hỏa lực. Ông Uy được phân công cùng với 2 chiến sỹ khác làm chủ khẩu Đại liên 3 chân. Khi đó đơn vị hành quân cắt qua rừng theo la bàn để đến vị trí phục kích. Tháng 5 dương lịch trời nóng, khô và rất hiếm nước. Đơn vị yêu cầu bộ đội uống nước đến mức ít nhất có thể. Phải tiết kiệm nước vì chưa biết lúc nào mới tìm được suối mà tìm được suối rồi cũng chưa biết là có nước hay không. Đơn vị vẫn lặng lẽ hành quân xuyên qua rừng, hướng về phía sau thị trấn Đồng Hến - nơi những người lính có nhiệm vụ phục kích và chặn đánh địch.

Khi đến điểm tập kết, ông Thìn được lệnh của Đại đội trưởng Đại đội bộ binh mang theo một máy thông tin 2W đi cùng Phó Chính ủy Trung đoàn và 3 trinh sát làm nhiệm vụ quan sát địa hình địa vật để phục kích chặn đánh địch. Mới đi men theo mép đường chừng nửa cây số thì bất ngờ một loạt đạn nổ. Nhóm trinh sát của ông Thìn nhảy ngay xuống con suối cạn để tránh đạn, qua tai nghe của máy 2W, ông được đơn vị gọi quay trở lại ngay. Vừa quay đầu thì tiếng đạn cối 60, cối 82, M79 nổ liên hồi.

Trận đánh phục kích diễn ra chưa đến 30 phút đồng hồ. Địch đang chống trả rồi tự nhiên im tiếng súng. Những người lính chiến đấu dày dạn kinh nghiệm đều hiểu một điều là sắp có sự cố nguy hiểm. Khi ấy ông Uy đã bị thương nhẹ ở tay trái, chưa kịp nghỉ ngơi thì hai chiếc T28 bay lướt qua trận địa.

Sau loạt bom bi nổ ran khủng khiếp, có 3 chiến sỹ hy sinh và 5 người khác bị thương. Trong số những người hy sinh có người bạn Nguyễn Văn Uy. Tất cả liệt sỹ được đưa về tuyến sau và chôn cất. Nói đến đây ông Thìn không giấu được sự tiếc nuối, xót xa.

Đã 50 năm trôi qua nhưng người lính cựu Trần Đức Thìn chưa bao giờ quên được trận đánh này, một trận đánh diễn ra nhanh chóng nhưng ác liệt không kém gì trận đánh lớn. Ông đã may mắn hơn những đồng chí, đồng đội khác được trở về. Còn bạn ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo, cô đơn. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình thân nhân liệt sỹ mà còn là nỗi day dứt chưa bao giờ nguôi đối với các cựu chiến binh từng một thời là đồng đội “vào sinh ra tử” trên chiến trường khói lửa.

Gần 200 thanh niên Cẩm Giàng, Hải Dương nhập ngũ năm 1970, sau chiến tranh chỉ còn hơn 30 người sống sót. Năm nào đơn vị ông Thìn cũng tổ chức gặp mặt vào đúng ngày nhập ngũ là 28/04, chỉ năm ngoái và năm nay thì tạm dừng họp mặt do dịch bệnh Covid-19.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những đau thương thật khó có thể bù đắp. Với ông Thìn và biết bao người lính cựu trở về, sự hy sinh, mất mát của đồng đội là điều khó quên nhất. Ông Thìn chỉ biết luôn tự nhắc nhở bản thân ghi nhớ những công lao to lớn của đồng đội đã khuất để có nền hòa bình, độc lập hôm nay.

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình ngay dưới đây: