Mỗi khi lần giở lại từng lá thư của người yêu – liệt sỹ Trần Minh Tiến, bà Vũ Thị Lui ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội lại không khỏi bồi hồi, xúc động. Từng trang thư là từng dòng hồi ức về tình yêu đầu đời ngây thơ, trong trẻo. Ngày đó, hai người học chung trường và là đôi bạn thân thiết. Nhưng mãi đến khi anh Tiến lên đường nhập ngũ, sự nhớ thương ấy mới khiến hai người nhận ra tình cảm của nhau. Bắt đầu từ đó, những lá thư được trao đi - gửi lại giữa tiền tuyến và hậu phương.

Năm năm yêu nhau, số lần gặp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để gặp được người yêu bà Lui phải đạp xe lên tận đơn vị nơi người yêu đóng quân. Tuy đường xá xa xôi, vất vả thậm chí nguy hiểm bởi bom đạn của kẻ thù nhưng điều đó cũng chẳng thể nào ngăn được tình cảm mà 2 người dành cho nhau.

Sau mỗi lần gặp gỡ, nỗi nhớ niềm thương càng trở nên cháy bỏng, da diết. Những khắc khoải, mong đợi và lời hẹn ước về một ngày hòa bình, hai người sẽ nên duyên vợ chồng…đều được gửi gắm vào mỗi lá thư. Thế nhưng, lời hẹn ước ấy mãi chẳng thể thành sự thật. Năm 1968, bà Lui nhận được tin người yêu hy sinh sau trận đánh ác liệt. Nén nỗi đau, bà đem đốt những lá thư chất chứa biết bao kỷ niệm của 2 người. Đốt xong lá thư thứ nhất, bà như bừng tỉnh nhớ lại lời dặn của người yêu: hãy giữ lại những lá thư này để sau này chúng mình còn đọc cho con nghe. Bà vội vàng dập lửa, sắp xếp lại rồi đóng thành từng tập theo thứ tự thời gian. Suốt mấy chục năm bà luôn trân trọng, nâng niu những lá thư và coi đó là kỷ vật vô giá của mối tình đầu.

Sau này, khi cuộc sống đã vợi bớt những khăn khăn, bà Lui thay mặt mẹ của liệt sỹ Trần Minh Tiến đi tìm mộ. Đến năm 2008, sau hàng chục chuyến đi, bà Lui đã tìm và đưa hài cốt liệt sỹ Tiến về an nghỉ tại nghĩa trang Đường 9, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. “Anh nói anh đi giữa mùa hoa bưởi thì ngày anh về anh sẽ cài hoa bưởi lên mái tóc phai màu của em. Và đúng ngày mình đón anh về thì tóc mình đã bạc hết rồi” - bà Lui nhớ lại.

Suốt mấy chục năm qua, hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký của người yêu - liệt sỹ Trần Minh Tiến vẫn luôn được bà Lui gìn giữ cẩn thận. Điều khiến bà hạnh phúc hơn cả là việc làm này của bà được chồng con rất trân trọng và chia sẻ.

Bây giờ mỗi khi có dịp, bà Lui lại mang thư ra đọc. Có lá thư viết cách đây đã hơn 50 năm nhưng khi đọc lại bà thấy cảm xúc như còn vẹn nguyên. Có thể nói, với các thân nhân liệt sỹ như bà Vũ Thị Lui những lá thư là kỷ vật vô giá không gì có thể sánh bằng. Và những kỷ niệm ấy cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ./.