Sau khi tham gia Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền Bảo an binh, rất nhiều các chiến sĩ gia nhập đoàn quân Tây Tiến hành quân đi Sầm Nưa ở nước bạn Lào. Trong đoàn quân năm ấy, phần lớn là học sinh, sinh viên các trường học ở Hà Nội ở độ tuổi chỉ 17, 18.

Những ngày đầu khó khăn, đơn vị mới thành lập nên thiếu thốn đủ thứ từ lương thực, thuốc men...Những người lính Tây Tiến được đồng bào ở Sầm Nưa cưu mang. Tới giờ, những người lính cựu vẫn thật xúc động khi nhắc về tình quân dân ngày ấy. Tây Tiến đúng là “đoàn binh không mọc tóc” như lời thơ Quang Dũng thể hiện rõ sự gian khổ, nghiệt ngã nơi chiến trường. Nhưng trên tất cả là tinh thần yêu nước của rất nhiều thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Vì khát khao độc lập khiến mỗi người nung nấu ý chí, sẵn sàng xả thân vì đất nước.

Hơn 70 năm mùa xuân qua, những người lính Tây Tiến người còn, người mất, nhưng xúc động hơn họ vẫn mang trong lòng niềm tự hào về một đội quân anh hùng, mang lại sự vẻ vang cho quân đội và nhân dân. Với những người lính cựu, không gì vinh dự bằng khi được hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc.

Theo dòng hồi tưởng, trạm quân y lúc bấy giờ chỉ còn sống sót vài người phục vụ. Các chiến sĩ ra đi thậm chí không có áo quan mà chỉ được cuốn trong chiếc chiếu mỏng. Đấy cũng chính là hình ảnh chiếc “áo bào” trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Hình ảnh ấy khiến những người lính Tây Tiến thật khó để quên. Sau này trong những tập thơ của riêng mình, ông Giang Hoàng Phúc, Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến luôn dành những dòng trang trọng để nói về đoàn quân anh hùng trong những mùa xuân ra trận.

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, những người lính Tây Tiến không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng quả cảm. Tinh thần ấy như được vang vọng mãi theo lời thơ của người lính cựu Tây Tiến:

Biết bao đồng đội ra đi không về nữa

Mà có hỏi đâu xem đã được cái gì

Chỉ gửi lại quê nhà là mãi mãi chia ly

Để dành hạnh phúc cho người đang sống.