Những ngày tháng 4 lịch sử, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà khắp mọi miền đất nước đều khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ vừa trang nghiêm, vừa sôi động. Mỗi góc phố, con đường rợp trời cờ đỏ sao vàng - như một bản hòa ca hùng tráng chào đón ngày lễ lớn của dân tộc, kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975... Dẫu mỗi người một chiêm nghiệm, một cách thể hiện khác nhau nhưng đều là sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào và những khắc ghi về giá trị của hòa bình, độc lập...
Cách đây 50 năm, ngày 30 tháng 4 năm 1975, giờ phút lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Khi đó cả dân tộc Việt Nam đã cùng hát khúc ca khải hoàn trong ngày hội đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà…
Bắt đầu từ đây cả dân tộc ta được làm chủ vận mệnh đất nước, người dân được sống trong hòa bình, tự do, nỗ lực xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Một thời kỳ mới mở ra nhưng cũng có muôn vàn thử thách. Hệ thống kinh tế bị tàn phá, đất nước bị bao vây cấm vận... Hơn 3 triệu ha đất bị nhiễm chất độc hóa học, hàng triệu người bị thương tật, hàng triệu bom mìn chưa nổ còn sót lại, nằm rải rác khắp nơi…
Khi đó, cả dân tộc Việt Nam vừa phải tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Trong đó dấu mốc quan trọng nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Việt Nam từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phá thế bao vây cấm vận, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới và tiến những bước tiến dài trên con đường xây dựng phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại Top 20 quốc gia trên thế giới. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đặc biệt, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, quan hệ đối ngoại được mở rộng, ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Một quốc gia từ nghèo khó đến ấm no… một quốc gia từ chia cắt đến hội nhập, Việt Nam sau 50 năm thống nhất, Bắc - Nam sum họp đã trở thành biểu tượng của khát vọng vươn lên, kiên cường và bứt phá, thể hiện ý chí, bản lĩnh và sức mạnh dân tộc.
Giờ đây, Việt Nam lại đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mà đích đến của kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là tầm nhìn mang tính đột phá, kế thừa những thành tựu nửa thế kỷ qua và mở ra một kỷ nguyên mới với những kỳ vọng to lớn.
Vị thế, uy tín và cơ đồ mà chúng ta đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước và 40 năm Đổi mới, chính là cơ hội, là tiền đề quan trọng để bước vào một giai đoạn mới. Nhưng khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" thì chắc chắn sẽ còn nhiều việc cần làm, phải làm với những thử thách gay gắt chờ đón ở phía trước…
Với bản lĩnh và tinh thần của người Việt cùng hào khí của ngày toàn thắng vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là khúc ca khải hoàn của lòng yêu nước, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, thì chúng ta nhất định sẽ vươn lên mạnh mẽ trên hành trình mới - hành trình kiến tạo tương lai, tiến đến một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trường tồn… Và Việt Nam sẽ còn kể tiếp, viết tiếp câu chuyện vinh quang của mình./.