Du xuân đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống lâu đời của người Việt, phản ánh sự hoà quyện giữa tín ngưỡng tôn giáo và đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư nói chung.
Trong không khí rộn ràng của ngày xuân, trong sự khoe sắc của hoa mai, hoa đào, trước cửa Phật lòng người như cũng thư thái, bình an hơn để nguyện cầu ước vọng về một năm mới. Cầu cho mạnh khoẻ, cầu tài, cầu lộc, cầu cho quốc thái dân an, hay đơn giản chỉ là cầu cho một năm mưa thuận gió thuận hòa, bớt lo toan....
Trong dòng người đi lễ chùa những ngày đầu năm mới tôi tin đa số mọi người đều hướng lòng mình đến những điều thiện lành. Nhưng đa số không phải là tất cả.
Đời sống xã hội tốt lên, những mưu cầu về vật chất đôi khi lấn át những giá trị tinh thần, yếu tố tâm linh cũng vì thế mà bị con người làm cho biến tướng, ranh giới giữa tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan nhiều khi bị xoá nhoà.
Theo phong tục, mâm lễ chùa thường có hương, hoa quả hoặc bánh kẹo, oản, trầu cau… tùy theo văn hóa và phong tục của từng vùng, từng địa phương và đặc trưng của mỗi đền chùa. Song điểm chung là lễ vật không quá cầu kỳ, không nặng về giá trị vật chất. Thế nhưng, hiện nay nhiều người vẫn giữ quan niệm “trần sao âm vậy”, vật phẩm càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, vì thế dâng lên cửa Phật những mâm lễ phải thật to, thật đầy, biến nơi linh thiêng trở thành nơi đong đếm lễ vật, tựa như lòng tham của con người.
Đến một số đền chùa trong những ngày này người ta khó mà cảm nhận được sự thanh tịnh, bình yên vốn có ở chốn tôn nghiêm.
Dễ thấy nhất và cũng phổ biến nhất là cảnh chen lấn xô đẩy nhau trước cửa Phật, lễ chồng lên lễ, người đứng sau vái lưng người đứng trước, tiền lẻ rải khắp nơi, vàng mã đốt nghi ngút khiến đền chùa trở thành nơi lộn xộn, xô bồ. Và, trời Phật linh thiêng liệu có chứng giám?
Hiện tượng móc túi, bán giá “chặt chém”, rồi dàn cảnh chen lấn để cướp giật như vụ việc vừa xảy ra ở chùa An Giang, đánh nhau dẫn đến án mạng ở lễ hội Chùa Đậu thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà nội… Từ bao giờ những hành vi vốn không thể diễn ra ở chốn tôn nghiêm lại ngang nhiên tồn tại như thế?
Một điều đáng buồn nữa cũng từng xẩy ra là chuyện người ta lợi dụng tự do, tôn giáo để "buôn thần, bán thánh", "miệng nam mô, bụng một bồ dao găm". Một vài cá nhân " con sâu làm rầu nồi canh" họ lợi dụng mặc áo nhà sư để trục lợi của những người dân, phật tử thành tâm tín ngưỡng khiến dư luận búc xúc
Để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tín ngưỡng ở các nơi thờ tự, lễ hội đầu năm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 09 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Công điện đã yêu cầu một số bộ ngành địa phương đẩy mạnh công tác năm tình hình, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tin ngưỡng cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đảng viên thực hiện tốt các qui định của pháp luật .... phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương...
Đạo Phật luôn hướng con người đến những điều thiện. Vì thế trước cửa Phật hãy thành kính để tâm an, hướng lòng mình đến những điều thiện lành và xin hãy nhớ đối với Phật, không có chuyện cầu xin là được mà thực hành hành theo luật nhân quả. Thành tâm tín ngưỡng là tốt, nhưng đừng để văn hóa đi lễ chùa bị biến tướng. Đi lễ chùa - Đừng làm Phật buồn.