Thời tiết chuyển mùa, những người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng sức khỏe. Không hiếm bắt gặp nhiều cụ ông, cụ bà đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên thay vì khám bệnh thông thường, các cụ thường phải kiểm tra và điều trị cùng một lúc 2, 3 bệnh, điều đáng nói là nhiều bệnh chỉ xuất hiện sau khi nghỉ hưu
Ông Đinh Quang Định, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội đã nghỉ hưu được 7 năm. Sau khi nghỉ, cứ 3 tháng ông lại đi khám và điều trị một lần, ông tâm sự nhiều lúc nghĩ đến đi khám là thấy… ngại
“Thực ra mình cũng biết rồi, bệnh của người già ý mà, từ khi nghỉ hưu nó phát sinh rất nhiều thứ, hết chỗ nọ lại ra chỗ kia, vừa dứt bệnh này lại nảy bệnh khác… đại tràng, mỡ máu, tiểu đường, zona thần kinh, thi thoảng đau lưng, đau khớp”.
Còn ông Kiều Thế Hưng ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau khi nghỉ hưu được 2 năm, ông xuất hiện thêm nhiều bệnh như mỡ máu, thần kinh tọa, tiếu đường và cả ung thư tiền liệt tuyến.
“Có những lúc đường lên là phải nhập viện ngay… được các bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi… cứ nằm vài tuần, xem nó thay đổi thế nào mới được về”, ông Hưng chia sẻ.
Những trường hợp như ông Đinh, ông Hưng xuất hiện nhiều ở các bệnh viện hiện nay. Tại Hà Nội, Bệnh viên Hữu Nghị được xem là nơi “đông” bệnh nhân cao tuổi nhất. Tại đây, mỗi ngày có từ 700-900 bệnh nhân đến khám và điều trị, phần đông là người cao tuổi. Điều đáng nói mỗi bệnh nhân đến khám, điều trị thường có ít nhất 2 bệnh lý nền kèm theo. Đối với người cao tuổi, bệnh lý hay gặp thường là tim mạch, rối loạn chuyển hóa và ung thư. Theo bác sĩ Lê Xuân Hà, phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Hữu Nghị, người cao tuổi cần khám tổng quát định kỳ với tần suất 3-6 tháng /lần, có như vậy mới sớm tìm ra bệnh và có phác đồ điều trị hợp lý.
“Chúng tôi vẫn đùa NCT như một cỗ máy, đến thời kỳ nào đó thì cỗ máy này cần được kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ… nên được tầm soát các bệnh lý không lây nhiễm… những người trên 60 tuổi, tốt nhất 1 năm khám định kỳ ít nhất 2 lần”, bác sĩ Hà phân tích
Theo thống kê của các Tổ chức y tế trên thế giới, một người cao tuổi mắc bệnh thì chi phí y tế và chăm sóc sẽ nhiều gấp 7-10 lần người trẻ. Người cao tuổi nước ta ước đạt hơn 11 triệu người, chiếm 11,8 % dân số và ước tính đến năm 2050, số người cao tuổi sẽ chiếm 28% dân số. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho công tác chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi.
“Chúng ta còn hơn 10 năm cho giai đoạn dân số vàng để chuyển sang già hóa dân số… Đây là áp lực cho ngành dân số và y tế. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai chăm sóc người cao tuổi ban ngày ở các Trung tâm và tăng cường khám cho người cao tuổi ở các bệnh viện đa khoa”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số nhận định.
Yêu cầu phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, thích hợp, thích ứng với già hóa dân số đang ngày càng cấp bách, bởi tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng gia tăng trong cấu trúc dân số. Điều này sẽ là một áp lực không nhỏ đối với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế. Nhu cầu chăm sóc toàn diện người cao tuổi đang rất lớn, và để giải quyết vấn đề này, cần sự yêu thương, cảm thông từ gia đình và xã hội, cũng như sự quan tâm, đầu tư từ Nhà nước.
- Người cao tuổi nên cập nhật các thông tin thời tiết trên tivi, điện thoại….Điều này, giúp người cao tuổi nắm bắt thông tin về những thay đổi của thời tiết để có những kế hoạch cho hoạt động thường ngày phù hợp.
- Trong thời điểm chuyển mùa việc giữ ấm cho cơ thể là vô cùng quan trọng. Không được để cho cơ thể bị lạnh đột ngột. Hàng ngày, người cao tuổi cần mặc ấm nhất là ấm phần cổ, ngực. Người cao tuổi nên tắm nước ấm và trong phòng kín gió.
- Trong thời điểm giao mùa cơ thể rất dễ bị suy yếu, cho nên có một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người cao tuổi sức đề kháng. Cần tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất qua các thực phẩm như trái cây, rau xanh. Người cao tuổi cần uống đủ nước nên uống nước ấm. Nên lưu ý ăn, uống đủ nóng, ấm. Chế độ dinh dưỡng ở đây được thiết kế linh hoạt đáp ứng các thay đổi của thời tiết. Từ đó, giúp nâng cao sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho NCT trong thời điểm giao mùa.
- Việc duy trì đều đặn các hoạt động thể chất là cần thiết. Tuy nhiên, trong thời điểm thời tiết giao mùa, người cao tuổi nên tập các bài tập nhẹ nhàng. Đồng thời, các bài tập cần phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình. Mỗi ngày chỉ cần vận động cơ thể khoảng 15-30 phút.
- Trong thời điểm thời tiết giao mùa người cao tuổi nên đến bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ, điều chỉnh thuốc men nếu cần thiết. Ngoài ra việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp người cao tuổi ngăn ngừa được các bệnh lý thường gặp trong mùa này.
- Thời tiết giao mùa là thời điểm vi khuẩn, virus dễ dàng sinh sôi và phát triển. Vì vậy, không gian sống của người cao tuổi cần được giữ gìn sạch sẽ thường xuyên. Phòng ở của người cao tuổi luôn được dọn dẹp hàng ngày, chăn ga gối được thay mới thường xuyên..