Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Giàu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có thói quen thu gom túi nilon, vỏ lon bia, nước ngọt. Thấy túi nilon hay vỏ chai lọ vứt bừa bãi bà đều nhặt về, rửa sạch rồi đem bán. Tính ra mỗi cân túi cũ chỉ được vài nghìn đồng, còn vỏ chai lọ cũng chỉ được mấy trăm đồng nhưng bà bảo, nhờ những đồng tiền gom góp nho nhỏ đó bà giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. “Túi nilon bán hai nghìn một cân, nhiều người bảo chả làm được gì, nhưng 10 tháng cũng được vài trăm nghìn. Số tiền đó tôi ủng hộ người khó khăn, như cháu ở gần nhà nghèo, mẹ mất, sống với bà, tôi giúp nó 300 nghìn tiền học phí..”, bà Giàu chia sẻ.
Những chiếc túi nilon cũ trong suy nghĩ của nhiều người thì chỉ có thể đem bỏ, nhưng với bà Phạm Thị Nhuận ở Đống Đa, Hà Nội thì chúng lại rất có ích. Túi nào còn lành lặn bà Nhuận thường cất đi để tái sử dụng hoặc đem cho những người buôn bán gần nhà. Bà cho biết: việc làm của mình tuy nhỏ nhưng cũng giúp ích được nhiều người.
Dù con cháu cũng đôi lần phàn nàn về chuyện tích trữ toàn quần áo, sách báo cũ khiến nhà cửa chật chội nhưng bà Đỗ Thị Hồng ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện “ý tưởng” của mình. Những thứ con cái không dùng đến nữa bà Hồng đều phân loại và cất giữ theo từng thùng. Với những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như nồi cơm điện, quạt điện đã hỏng, con cái vất chỏng chơ là bà đem đi sửa để ai cần thì bà lại cho. Quần áo, sách vở vẫn còn sử dụng được bà cũng gom lại để cùng với nhiều người khác đem đến cho những em học sinh nghèo khó khăn ở vùng cao. Nhiều khi tiền mua sách báo có được là do bà bán những đồ không dùng được nữa. “Bản thân sống qua giai đoạn kháng chiến, rồi khó khăn nên rất tiết kiệm, quần áo, sách vở không dùng nữa tôi không vứt mà gom lại cho các cháu khó khăn, Trong gia đình những chai lọ không dùng đến thì tiết kiệm để mua sách báo”, bà Hồng cho biết.
Với ông Đặng Thanh Hà ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình thì chính nhờ việc tiết kiệm, cất giữ sách báo cũ mà căn nhà nhỏ của ông đã trở thành “không gian đọc” cho những người cao tuổi trong phường. Cứ 7h30 sáng, ông Hà lại pha một ấm trà, mang những quyển sách, tờ báo đặt sẵn trên bàn chuẩn bị cho những người bạn già đến đọc. Nguồn sách báo ban đầu chỉ là của gia đình, nhưng sau ông đi xin lại của những gia đình xung quanh, của Ủy ban phường, nhờ đó mà nguồn sách, báo càng ngày càng đa dạng và luôn được cập nhật. Ông Hà cho biết: Do sách báo cũ trong nhà nhiều nên tôi nghĩ ra mô hình tổ đọc sách báo cho người cao tuổi. Tổ tôi có 3 phố, sáng nào các cụ cũng đến đọc. sách báo, thông qua việc đọc sách, các cụ biết thêm được nhiều tin tức, nhất là các thông tin về sức khỏe, chăm lo đời sống, giáo dục.
Có thể nói, người già đã làm nhiều việc ý nghĩa và thiết thực trong cuộc sống từ việc tiết kiệm những vật dụng cũ, tưởng như không thể sử dụng./.
Mời nghe bài viết tại đây: