Nghe chương trình tại đây:

Ông Phạm Văn Thảo là dân kỹ sư. Tuổi trẻ là những ngày ở văn phòng, lăn lộn trên công trường chứ đâu có thời gian để tập luyện hay thưởng thức nghệ thuật. Cầm tờ A4 quyết định về hưu, ông Thảo cũng như bao người khác đặt câu hỏi: những ngày tháng tiếp theo mình sẽ làm gì nhỉ?

"Mai ông đến câu lạc bộ khiêu vũ cùng tôi không?" - bà xã hỏi ông Thảo. Lưỡng lự vài giây - "ông đến xem thử thế nào" - bà nói thêm, thế là ông đồng ý làm "xe ôm" đưa bà đến câu lạc bộ.

"Bà xã tham gia trước gần một năm. Tôi đến thấy họ tầm tuổi mình hoặc ít hơn chút, không có gì ngại ngần cả, mình xin thầy giáo tham gia luôn" - ông Thảo quyết định ngay hôm ấy. Đến nay đã được 3 năm, vợ chồng ông là thành viên tích cực nhất của câu lạc bộ.

Khi đi làm người ta mong được nghỉ, khi được nghỉ rồi thì cảm thấy một ngày dài hơn 24 tiếng. Ông Thảo quyết tâm cải thiện sự ì trệ trong tâm trí của mình bằng việc đi học một cái gì đó mà sau này ông gọi đó là món quà cho sức khỏe.

Là người ưa thể dục thể thao, trước đây ông Thảo rất chăm đi bộ. Rồi ông bị thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa nên không đi được nữa. "Cái đơn giản nhất là đi bộ mà còn không đi được thì làm thế nào? Tôi phải đi viện đến 2-3 lần rồi uống thuốc Đông y đủ kiểu mà cứ thời gian ngắn lại bị đau lặp lại" - ông Thảo rơi vào tình trạng chán nản và hoang mang.

Kể từ ngày tham gia khiêu vũ, bệnh tình của ông tiến triển tốt. "Mấy năm rồi tôi không hề đau lại, có thể nói là khỏi luôn. Ở tuổi này của tôi, bác sĩ cũng thấy ngạc nhiên là sức khỏe tôi rất tốt" - ông Thảo vui mừng khi bác sĩ thông bảo ông không bị tiểu đường, không huyết áp, mọi lục phủ ngũ tạng hoạt động bình thường.

Không bao giờ quá muộn để bạn học điều gì đó mới mẻ. Ở tuổi già, độ tuổi mà nhiều người cảm thấy có thời gian cho bản thân - nên ngồi nghĩ lại về những điều bạn đã bỏ lỡ trong suốt những tháng năm trước đó. Có thể họ từng bỏ qua những đam mê riêng nên tuổi già là lúc thích hợp để thực hiện.

Có người đã xem tuổi già là hành trình mới mà khi còn trẻ họ không có thời gian theo đuổi hoặc bị gián đoạn. Bà Nguyễn Thị Tuyết ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: chỉ có mình mới đánh bại chính mình chứ không có gì khiến ta gục ngã. Ở tuổi nghỉ ngơi, bà vẫn lập Trung tâm truyền thông và sức khỏe cộng đồng để thực hiện các dự án cho phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Tôi vẫn đi hội thảo hay những nơi có thể truyền cảm hứng. Các cụ bảo là "chưa 70 chưa đui chưa què chưa khoe rằng khỏe". Ở tuổi 70 tôi thấy sức khỏe kém hẳn đi. Khớp chân đau, đi lại khó khăn nên đi đâu xa thì tôi đi xe đạp" - bà Tuyết chia sẻ.

Còn với nữ doanh nhân Phan Hồng Châu – nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hy vọng (Esperantotur), tuổi cao không có nghĩa là già. "Ngày nào tôi cũng đi bộ, mưa lâm thâm thì cầm ô theo" - bà Châu nói. Những lúc căng thẳng bà nghe nhạc và không ngại ngần học một cái gì đó mới như làm video, cách đưa nhạc vào ảnh.

Tuổi già là sự khởi đầu một thời kỳ "vàng son" trong cuộc đời con người, sau những trải nghiệm phong phú của cuộc sống.

Sức khỏe và trải nghiệm là tài sản được đầu tư từ khi con trẻ, trong suốt cuộc chạy đua đến tuổi già. Vì vậy, đầu tư cho sức khỏe là thứ tài sản quý giá khiến người ta giàu có./.