Mời nghe bài viết tại đây:
Kể từ khi con dâu sinh con, bà Đỗ Thị Hạnh, 63 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội được mọi người đặt cho biệt danh “mẹ nội”. Hàng ngày bà phải làm rất nhiều công việc như giặt giũ quần áo, nấu cơm, thay bỉm, ru cháu ngủ, cho cháu ăn…để con dâu được nghỉ ngơi. Giờ khi cháu nội được hơn 3 tuổi bà lại đảm nhận thêm công việc đưa đón cháu đi học. Dù vất vả nhưng chưa khi nào bà kêu ca, phàn nàn. “Tính tôi hay lam hay làm, thấy con cái nó cứ rề rề là mình lại không chịu được, mình làm một loáng là xong hết. Có gì đâu. Trước cháu nhỏ, các con chưa có kinh nghiệm thì mình hỗ trợ. Giờ cháu đi học cũng tiện đường mình đi làm thì tôi đưa đón cháu luôn”, bà Hạnh chia sẻ.
Do bận rộn với công việc kinh doanh nên vợ chồng con trai bà Hạnh chẳng mấy khi về trước 7 giờ tối. Thương con vất vả, buổi sáng bà cũng chẳng đành lòng gọi con dậy sớm. Chính vì vậy, mọi việc trong nhà từ cơm nước đến cho cháu ăn, cho cháu ngủ cũng do một mình bà Hạnh lo liệu. Nhiều người thấy bà vất vả, nên khuyên bà bảo các con cùng hỗ trợ, nhưng bà cho rằng được chăm sóc con cháu đó cũng là niềm vui.

Ở nông thôn, nhiều thanh niên đi làm ăn xa, mọi công việc ở nhà đều do người già đảm đương. Bà Lộc Thị Yên ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cũng không ngoại lệ. Hai năm trước, vợ chồng người con trai lớn lên thành phố làm ăn để hai con nhỏ ở nhà cho ông bà chăm sóc. Từ ngày con cái vắng nhà, bà Yên cứ tay năm, tay mười lo liệu từ việc đồng áng, chợ búa đến chăm sóc các cháu. Bà cho biết tôi trông hai thằng cháu nội cho con trai. Nhà nông, mỗi khi hết vụ bố mẹ các cháu lại đi làm thuê hết, mình ở nhà đảm đương công việc thay các con chăm sóc các cháu từ tắm giặt đến ăn uống. Tôi không thấy khổ gì, mà thấy công việc đó mang lại cho mình niềm vui, hạnh phúc.
Không chỉ giúp con cái việc nhà cửa, chăm sóc các cháu, nhiều người cao tuổi như bà Chu Thị Mười ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn tự lao động để kiếm sống bằng cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay tại nhà. Ngày nào cũng vậy, sau khi mở cửa hàng, bà lại tất bất chuẩn bị cho các cháu đi học. Bà luôn quan niệm tuổi già cũng cần phải lao động để “sống vui, sống khỏe” không phải phụ thuộc vào con cháu. “Buôn bán, chợ búa cho các con, chăm các cháu nhưng vẫn sắp xếp thời gian cho mình, các con cũng hay động viên cho mình đi chơi. Mình còn trẻ, còn khỏe thì cố gắng trợ giúp cho các con”, bà Mười chia sẻ.

Khác với nhiều người cao tuổi, bà Nguyễn Thị Năm ở quận Đống Đa, Hà Nội không sống cùng các con mà lại chọn ở cùng đứa cháu nội, năm nay học lớp 5. Hai người con trai của bà đều đã lập gia đình và có cơ ngơi riêng. Chồng mất sớm nên bà Năm đón cháu trai về ở cho vui cửa vui nhà. Hàng ngày bà chăm sóc cháu không khác gì một người mẹ, từ việc ăn uống đến đưa đón cháu đi học, nhắc nhở cháu học bài. Bận rộn là vậy thế nhưng, chưa khi nào bà bỏ lỡ một cuộc họp hay một buổi sinh hoạt với Câu lạc bộ người cao tuổi ở khu phố. Bà cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tự biết cách bố trí công việc, thời gian sao cho hài hòa, hợp lý.
Các cụ ngày xưa có câu “bận như con mọn” giờ có lẽ phải chuyển thành “bận như cháu mọn”. Vì nhiều lý do nên không ít ông bà bỗng trở thành "người trông trẻ". Được tự tay chăm sóc cho các cháu, hỗ trợ con cái chuyện nhà cửa chính là niềm vui và điều đó cũng giúp cho cuộc sống của các cụ thêm ý nghĩa./.