Tại Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong tháng 2 vừa rồi liên tục tiếp nhận các trường hợp xoắn tinh hoàn và đã có những điều đáng tiếc xảy ra ở ca bệnh phát hiện muộn.

Bệnh nhân nam 14 tuổi, ở Hòa Bình vào viện với lý do đau tinh hoàn trái sưng to và da bìu nóng đỏ. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm bác sĩ kết luận bé trai bị xoắn tinh hoàn và cần phải cắt bỏ tinh hoàn trái.

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân 23 tuổi, ở Thái Nguyên đau đột ngột, dữ dội vùng bìu phải. Bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện huyện nhưng không cải thiện, sau đó đã đến Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ kết luận xoắn tinh hoàn bên phải kèm theo giãn tĩnh mạch tinh, cần phẫu thuật gấp

Tiếp đó là bệnh nhân nam N.V.H (43 tuổi, địa chỉ tại Bắc Ninh) vào viện sau khi đau bìu phải đột ngột và dữ dội một ngày, kèm theo tiền sử đột quỵ não. Kết quả siêu âm cho thấy tình trạng xoắn tinh hoàn bên phải.

Nhận định về 3 ca bệnh trên, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết, bác sĩ rất tiếc vì không thể bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhân do thời gian đến viện quá muộn. Khi phẫu thuật, tinh hoàn của bệnh nhân đã hoại tử, tím đen do xoắn trong bao thừng tinh và phải loại bỏ.

Trên thực tế, một số nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị xoắn tinh hoàn chần chừ đến bệnh viện mà ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên internet hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống làm mất cơ hội được điều trị sớm.

BSCK2 Nguyễn Văn Phúc, Khoa Nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: việc khám và điều trị muộn ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh: tinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát.

Tinh hoàn nằm bên trong vậy tại sao có thể xoắn lại? Giải đáp thắc mắc này, BS Phúc cho hay: Mỗi tinh hoàn dính với bụng bằng một cuống mạch máu dài gọi là thừng tinh. Tinh hoàn và dây thừng tinh giống như quả bóng treo trên dây có thể lắc lư, xoay qua xoay lại. Khi thừng tinh bị xoắn, mạch máu nuôi tinh hoàn nằm trong thừng tinh sẽ bị xoắn lại và tắc. Máu không thể lưu thông để nuôi tinh hoàn và nếu tình trạng này kéo dài thì các tế bào của tinh hoàn sẽ chết.

Triệu chứng xoắn tinh hoàn: xuất hiện cơn đau dữ dội và đột ngột ở 1 bên tinh hoàn, kéo dài không quá 6 giờ; bìu sưng to, đau bụng, 1 bên tinh hoàn có vị trí cao hơn bình thường.....

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là sau khi bệnh nhân bị chấn thương bìu hoặc hoạt động thể chất. Đối với bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn nguy cơ bị xoắn tinh hoàn sẽ cao hơn do tinh hoàn nằm cao ở trên bẹn nên không được cố định vào bìu. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác dễ gây xoắn tinh hoàn gồm: cuống mạch tinh hoàn quá dài, cơ thể vận động mạnh, tuổi tác (thường ở nam giới 10 - 25 tuổi), tiền sử bị xoắn tinh hoàn, thời tiết lạnh....

Hậu quả của xoắn tinh hoàn rất nghiêm trọng nên đây là trường hợp khẩn cấp cần phải được nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời. Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn “chạy đua với thời gian” để tìm kiếm cơ hội cứu tinh hoàn cho người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh, từ 12 đến 24 giờ khả năng giảm xuống còn 20-50% và nếu trễ hơn 24 giờ thì khả năng rất thấp, chỉ 10%, thậm chí cắt bỏ" - BS Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Ở nam giới, việc không có hoặc mất đi tinh hoàn là một chấn thương thể chất và tinh thần nặng nề, nhất là ở những người trẻ tuổi. Hiện nay có nhiều loại tinh hoàn nhân tạo được dùng để đặt vào bìu cho những bệnh nhân thiếu một hay hai tinh hoàn. Tuy nhiên, tinh hoàn nhân tạo không có chức năng nội tiết và tạo tinh trùng như tinh hoàn thật. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ xoắn tinh hoàn, người bệnh nên nhập viện để thăm khám; phụ huynh cần phải theo dõi những thay đổi bất thường của trẻ và cần đưa trẻ đến viện để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.