Hà Nội những đêm đông lạnh. Người đàn ông không nhà, không người thân, sống tạm dưới gốc cây sấu già đang nhóm một bếp lửa nhỏ để xua đi cái lạnh.

Ông là Quản Văn Bình từng có nhà và tổ ấm nhỏ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vài năm trước, vợ làm ăn thua lỗ, bán nhà, rồi bỏ đi.

Ông Bình 55 tuổi mà ngỡ như đã ngoài 70. Bệnh phổi khiến ông từng thập tử nhất sinh, khi sống được thì mất cả gia đình nhà cửa. Kể từ ấy, bao năm qua ông sống dưới gốc cây này, mái nhà là tấm bạt, đặng che nắng mưa.

"Tôi sống được là nhờ chị Ngư, chị ấy giúp tôi tiền đi viện, không tôi chết rồi. Chị ấy cho tôi cơm ăn, chị ấy tốt lắm…" - ông nói bằng giọng yếu ớt.

Năm đó, chị Hải Ngư cũng vừa đi viện về. Dẫu không khỏe nhưng nhìn thấy hoàn cảnh người hàng xóm đứng bên bờ vực, chị không đành lòng cho qua. Vậy là chị kêu gọi mạnh thường quân cùng chị đưa anh Bình đi viện, thực hiện phẫu thuật.

"Nhìn anh ấy gầy hốc hác, hơi thở rất mỏng, vợ chồng tôi vẫn tin anh ấy sống được" - chị Ngư nhớ lại.

Và giờ, dưới gốc cây sấu đối diện khách sạn của chị, người đàn ông nhận trông xe sống qua ngày trên góc vỉa hè. Tối tối chị Hải Ngư lại sang hỏi anh đã ăn gì chưa và gọi nhân viên mang sang hộp cơm nóng.

Ở một góc khác, bóng một người đàn ông đang tìm trong đống rác những chai lọ nhựa. Ngày mai, bữa ăn của gia đình ông có thể trông chờ vào những phế liệu này.

Căn bệnh đãng trí của người già khiến ông quên cả tên mình. Nhưng ông nhớ mình có 5 đứa cháu. Các cháu đều học mẫu giáo và tiểu học. Hàng tháng chị Hải Ngư vẫn âm thầm chu cấp học phí để các cháu được đến lớp.

Ở phường Dịch Vọng Hậu này, những người nghèo khó dường như đều biết chị Ngư. Chẳng ai thấy lạ khi đi đường, gặp người vô gia cư, người nhặt rác chị lại xuống hỏi han và tặng quà.

Lần gặp này, chị lại tặng ông chút tiền ăn tối và dặn dò sớm về nhà để bà cháu đỡ mong.

Đêm vẫn lạnh, người càng thưa. Có hai người đang ăn bữa tối...

Nghe chương trình tại đây: