Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một phần của quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) ra đời nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân. Không ít người lao động đã được bảo vệ khi không may gặp tai nạn trong quá trình lao động.

Chị Hoàng Thị Liễu Phương, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) không may bị tai nạn trong quá trình làm việc cách đây không lâu chia sẻ: “Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động có ý nghĩa rất lớn với người lao động chúng tôi. Khi tôi bị tai nạn thì ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống cũng như kinh tế gia đình. Quá trình điều trị nhờ bảo hiểm tôi được hưởng chế độ, không phải lo chi phí gì. Công ty tạo điều kiện trợ cấp hàng hàng giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc”.

Dù làm công việc gì, phức tạp hay đơn giản thì người lao động khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trở thành “điểm tựa” cho nhiều người lao động khi không may gặp rủi ro.

Anh Trần Đăng Nam, công nhân Khu công nghiệp Sài Đồng A (Hà Nội) cho biết “Ngoài việc được trang bị đồ bảo hộ, chúng tôi được công ty đưa đi học tập, đúc rút kinh nghiệm, kiến thức và được thực hành, diễn tập trực tiếp để chuẩn bị cho những trường hợp bất khả kháng xảy ra, phòng tránh tai nạn lao động”.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ quan trọng của Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức rõ và thực hiện tốt các quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cải cách hành chính nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Bà Hồ Thị Hải, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội ở địa phương sẽ tiếp tục, tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động; hướng dẫn người lao động cách thức tham gia để được giải quyết chế độ nhanh chóng, chính xác.

“Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương, tiếp tục quan tâm, phối hợp các cơ quan tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động kịp thời nắm bắt những quy định mới, sớm tiếp cận và đảm bảo giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…” Bà Hồ Thị Hải cho biết thêm.

Bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Công ty cổ phần giấy An Hòa, Tuyên Quang còn thường xuyên tổ chức các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, giám định thương tật, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động…góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Hoàng Minh Sơn Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần giấy An Hòa, tỉnh Tuyên Quang cho biết “Công ty chúng tôi có riêng phòng môi trường an toàn lao động, có những an toàn viên, chuyên viên chuyên làm công tác đi kiểm tra giám sát hàng ngày, ở các vị trí 24/24h. Đồng thời các phân xưởng có quy trình vận hành máy, an toàn lao động, hàng quý hàng tháng chúng tôi phối hợp với ban chính sách pháp luật, liên đoàn lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật để cán bộ công nhân viên hiểu thêm về an toàn lao động”.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động, ngành BHXH ở địa phương chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.

“Còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm tới bảo hiểm tai nạn lao động, nguyên nhân do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn. Ngoài ra có một số doanh nghiệp còn cố tình. Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở. Với những đơn vị cố tình vi phạm chúng tôi sẽ xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe, bảo vệ quyền lợi người lao động” - ông Ngô Tuấn Anh khẳng định.

Ông Trần Văn Luật, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Nhà máy sản xuất bê tông ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngoài việc tích cực triển khai các chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công ty luôn đề cao việc trang bị kiến thức, kỹ năng để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình. Sau khi thống nhất quy trình về an toàn lao động, công ty đưa ra quy chế phố biến tới các phòng ban, các tổ trưởng, quản đốc và yêu cầu thực hiện chặt chẽ, nhằm giảm thiểu, hạn chế tai nạn lao động.

“Khi người công nhân vào làm việc thì chúng tôi có cán bộ triển khai, giải thích cho họ hiểu về cách vận hành của các bộ phận trong nhà máy để người lao động nắm vững. Ngoài ra chúng tôi giải thích cho người lao động nguyên nhân nào dẫn đến sự cố, có kiến thức cơ bản trong quá trình sản xuất". - ông Luật cung cấp thông tin.

Để tăng cường thực hiện các chính sách về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, GS.TS Lê Văn Trình, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động; tích cực thông tin, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động mà đây sẽ là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Giai đoạn vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Do vậy, không ít doanh nghiệp có đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội thiết thức và hữu ích, góp phần bù đắp tổn thất cho người lao động, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Có thể nói Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động. Thế nên khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ nghĩa vụ cho mình. Như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia vào quá trình làm việc./.