Trước những ý kiến dư luận trái chiều về việc có nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông, mới đây, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó đưa ra 2 đề xuất quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Thứ nhất, cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (như quy định hiện hành).

Thứ hai, cho phép người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn, tuy nhiên không được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (như quy định Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Mặc dù đưa ra 2 phương án song Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng tha thiết đề nghị được lựa chọn phương án 1, tức là cấm tuyệt đối với hành vi lái xe khi có nồng độ cồn. Bởi thực tế quy định này hiện đang cho thấy những tác động tích cực, hiệu quả cả về trước mắt lẫn lâu dài.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, Nghị định số 100 của Chính phủ sau này là Nghị định 123 quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Chính vì thế, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.

“Ngoài vấn đề an toàn giao thông thì chúng ta còn giải quyết vấn đề bảo vệ giống nòi, hạnh phúc gia đình, an ninh của xã hội. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nâng cao được văn hóa uống rượu, bia thì có thể làm thay đổi cục diện quản lý nhân dân trong thời gian tới. Và với việc người dân chấp hành “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, chúng ta sẽ còn nhiều chương trình giáo dục nhân dân hiệu quả hơn” - ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Một con số thống kê cho thấy, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thì số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia đã giảm 25%, số người chết giảm một nửa và số người bị thương giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Những con số này liệu đã đủ để nói rằng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết? Theo ông Khương Kim Tạo, thời gian qua chúng ta thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này khá tốt và sẽ còn phải tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. "Ngoài việc xử lý triệt để vi phạm, chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền. Có như vậy mới hình thành được một nếp văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ tích cực. Làm sao để mỗi ngày, ngay cả các cháu nhỏ cũng đã mặc định trong đầu một suy nghĩ rằng "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Như thế thì chúng ta mới có thể đạt được những thành công".

Thực tế nếu quy định ngưỡng, chính người dân sẽ khó trong việc xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho phù hợp với ngưỡng đó. Rồi dễ xảy ra trường hợp tài xế bị ép uống theo kiểu "một chút lấy may đầu xuân" hay "một chén không sao đâu", để rồi một chén sẽ lại có chén thứ hai, thứ ba... và chắc chắn những nguy cơ tiềm ẩn sau vô lăng là khó tránh khỏi. Chưa kể việc xử lý của cơ quan chức năng cũng vì thế mà thêm phần khó khăn.

Cũng có ý kiến cho rằng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là quá nghiêm khắc và có phần cứng nhắc. Bởi điều này sẽ làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, tác động không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Khương Kim Tạo cho rằng cần cân nhắc được và mất trong trường hợp này.

"Chúng ta cần phải đánh giá cân nhắc dựa trên những tác động từ nhiều chiều để đưa ra quy định cho phù hợp. Bởi thực tế là việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn mang lại lợi ích hơn nhiều so với những mất mát về mặt lợi nhuận, kinh tế. Cấm nồng độ cồn đối với lái xe không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn nhằm đảm bảo sức khỏe của người tham gia giao thông, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Thế nên tôi nghĩ rằng cấm tuyệt đối nồng độ cồn là chủ trương rất hợp lý. Và cũng phải khẳng định là qua một thời gian triển khai thực hiện quy định này đã dần đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe". Vậy thì chúng ta cũng không có lý do gì mà lại bỏ đi một quy định đang phát huy hiệu quả rất tốt như vậy", ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Những hệ lụy từ các vụ tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra là không thể đo đếm. Chỉ một sai lầm nhỏ, mọi sự ân hận đều sẽ trở nên muộn màng. Do đó, việc quy định nồng độ cồn với tài xế bằng 0 là hoàn toàn cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông, để từ đó tạo nên văn hóa giao thông lành mạnh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và ông Khương Kim Tạo tại đây: