Sáng 7/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công - những người có nguy cơ bị mất việc trong quá trình tinh giản bộ máy nhưng chưa được bao phủ đầy đủ bởi hệ thống an sinh xã hội hiện hành.

Theo Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng tham gia chủ yếu là người lao động làm việc theo hợp đồng trong khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức - những người thực chất cũng là lao động - lại chưa thuộc diện tham gia.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng dự thảo luật cần bao quát toàn bộ đối tượng lao động, không phân biệt khu vực công hay tư. Ông nhấn mạnh: “Cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cần được pháp luật bảo vệ bằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp.”

Theo Điều 33 dự thảo luật, cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo hợp đồng sẽ được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, những người làm việc theo quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm – tức đại đa số trong khu vực công - vẫn chưa được quy định rõ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nhận định: Việc sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước và khả năng bỏ quy định “biên chế suốt đời” trong tương lai gần sẽ khiến không ít cán bộ, công chức, viên chức mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ. “Cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích cán bộ nỗ lực giữ gìn việc làm,” bà Trân đề xuất.

Thực tế, việc tinh gọn tổ chức đang tạo ra một lượng lớn lao động có trình độ, kinh nghiệm buộc phải chuyển sang khu vực tư nhân. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, rất cần chính sách hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả công chức, viên chức.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) khẳng định nguyên tắc chia sẻ rủi ro trong cộng đồng người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, để chia sẻ công bằng, trước hết cần đảm bảo phạm vi bao phủ đầy đủ - không để bất kỳ nhóm lao động nào, nhất là khu vực công, đứng ngoài lưới an sinh trong bối cảnh mới.