Có lẽ chưa năm nào việc về quê hay ở lại - trở thành nỗi lo lắng như năm nay. Lý do là vì sợ trở lại của Covid-19. PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế phân tích các nguy cơ và cung cấp thông tin hướng dẫn các biện pháp an toàn khi bạn chọn đi lại và di chuyển trong dịp Tết này.

PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch Covid-19 cho tới thời điểm sáng ngày 9/2?

PGS Trần Đắc Phu: Trước chúng ta có ổ dịch của sân bay Vân Đồn và thành phố Chí Linh, Hải Dương và nó đã lan ra khoảng 12 tỉnh nhưng chúng tôi nghĩ rằng các tỉnh đó đến hôm nay có thể tạm thời yên tâm. Các tỉnh thực hiện tốt các biện pháp truy vết một cách thần tốc khi tìm kiếm các ca liên quan và tiến hành phong tỏa.

Tuy nhiên hiện nay đang phức tạp nhất là tình hình dịch đang xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, chúng ta chưa biết nguồn lây ở đâu. Đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất là nơi trung chuyển, đầu mối tiếp xúc nhiều với hành khách.

PV: Tết nguyên đán đã rất gần, nhu cầu đi lại tại tất cả các địa phương đều rất lớn. Theo ông việc yêu cầu cách ly người từ vùng dịch về quê ăn Tết mà một số địa phương đang áp dụng đã thực sự phù hợp với diễn biến dịch hiện nay?

PGS Trần Đắc Phu: Chính phủ đã chỉ đạo: chưa cấm việc đi lại giữa các địa phương với nhau trừ những người đi từ vùng dịch về - tức là những vùng chúng ta đang phong tỏa, đang thực hiện cách ly, giãn cách xã hội ví dụ như sân bay Vân Đồn, thành phố Chí Linh rồi các điểm khác của Hà Nội, Gia Lai và mới đây nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Tóm lại không phải cấm việc đi lại giữa các tỉnh mà chúng ta chỉ cấm những người từ vùng dịch đi ra bên ngoài và cũng như cấm người bên ngoài vào vùng dịch.

PV: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các biện pháp chống dịch cần hạn chế những bất lợi đến đời sống, sinh hoạt và kinh doanh. Có lẽ việc chống dịch cần có một cách tiếp cận mới, ông nghĩ sao?

PGS Trần Đắc Phu: Chúng ta vừa phải chống dịch vừa phải phát triển kinh tế. Chúng ta cũng phải có những cách làm thế nào cho hài hòa, phù hợp. Ví dụ như năng lực xét nghiệm trên diện rộng của chúng ta lớn; việc phong tỏa thực hiện theo quy mô hẹp để quản lý ca bệnh, không để nguồn bệnh lây lan và điều tra dịch tễ của chúng ta cũng tốt hơn, truy vết cũng nhanh hơn

PV: Chính Phủ, Bộ Y tế đã có khuyến cáo tới người dân không chủ quan, lơ là với sự trở lại lần này của virus SARS-CoV-2. Thưa PGS Trần Đắc Phu, theo ông người dân cần làm gì nếu có nhu cầu di chuyển giữa các địa phương thời điểm này?

PGS Trần Đắc Phu: Chúng ta không cấm di chuyển đi lại nhưng nếu di chuyển phải thực hiện các biện pháp, ví dụ tìm hiểu nơi mình đến như thế nào, đang có dịch hay không có dịch, nguy cơ cao hay không nguy cơ. Nếu đi lại tốt nhất đi bằng xe riêng hoặc thuê phương tiện riêng. Trường hợp sử dụng các phương tiện công cộng phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách, khử khuẩn, khẩu trang liên tục. Còn đi về thì phải tuân thủ theo hướng dẫn của địa phương, trước chúng ta chúng ta đi thăm nom trong dịp Tết nhưng chúng ta không nên. Nói tóm lại vẫn phải ưu tiên việc chống dịch lên hàng đầu

PV: Những điểm trung chuyển, ăn uống dọc đường đi thì sao? Cần trang bị cho mình những gì thưa ông?

PGS Trần Đắc Phu: theo tôi tốt nhất là không nên ăn uống dọc đường, ăn uống cá nhân là tốt nhất bởi vì ăn uống dọc đường phải tiếp xúc người lạ, nguy cơ lây bệnh không thể kiểm soát được. Nếu bắt buộc vào hàng quán thì không nên ngồi chung mâm chung bàn với người không quen biết, thực hiện vệ sinh khử khuẩn

PV: Ngoài việc di chuyển thì giao thương mua bán trong dịp này cần chú ý điều gì thưa ông?

PGS Trần Đắc Phu: đi chợ dân sinh đeo khẩu trang, giãn cách, đi siêu thị cũng vậy. Tôi khuyến cáo mua 1 lần dùng nhiều lần, mua online vì nguy cơ càng tiếp xúc với nhiều người không quen biết thì càng lây lan nhiều

PV: Thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương trong việc giám sát lượng người về ăn Tết năm nay là rất lớn. Theo ông cần đặc biệt chú ý điều gì để bảo đảm tốt nhất việc phòng chống dịch?

PGS Trần Đắc Phu: Địa phương chịu trách nhiệm trong phòng chống dịch nhưng phải làm theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế cũng như các ngành. Còn vùng nào vùng phong tỏa, vùng nào giãn cách xã hội, các biện pháp tuyên truyền, quy định giám sát y tế là do địa phương. Tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ. Thời điểm này chúng ta vừa thực hiện phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh. Ở đây người dân cũng phải có trách nhiệm phòng bệnh cho mình và cho cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông