Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về tinh giản, sắp xếp bộ máy, lại thêm nhu cầu chi tiêu cho dịp Tất Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tìm công việc làm thêm ngày càng tăng cao. Nắm bắt được tâm lý này của nhiều người, nhất là các bạn trẻ, kẻ xấu đã thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn để lừa đảo.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lừa đảo dưới mác “việc nhẹ lương cao” qua trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến về số lượng, các hình thức thì ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà còn ảnh hưởng lớn về tinh thần.
Vậy làm thế nào để tránh “sập bẫy” lừa đảo “việc nhẹ lương cao”? Những yếu tố nào để nhận diện các hình thức lừa đảo tinh vi này?
Là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, nếu như đang có nhu cầu tìm việc thì cũng khó lòng tránh khỏi sự thu hút từ những quảng cáo rất hấp dẫn này. “Những dòng tin ấy cho tôi hai suy nghĩ: thứ nhất, tôi cảm nhận thị trường việc làm hiện nay đang rất đa dạng và sôi động với nhiều loại hình việc làm phù hợp với hầu hết người lao động. Tuy nhiên, suy nghĩ thứ hai chính là sự hoài nghi rằng, liệu có những công việc thực sự nhàn hạ mà thu nhập lại rất đáng kể như vậy không? Và đương nhiên từ sự tò mò này mà tôi cũng đã từng vào để đọc chi tiết các thông tin như vậy. Và đặt bản thân là người đang cần tìm việc thì đương nhiên những dòng tin như thế sẽ rất thu hút”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo trước những lời quảng cáo hấp dẫn như vậy, bởi nó đánh trúng tâm lý người tìm việc. Điểm chung của những vụ lừa đảo này là dụ dỗ người tham gia với “mồi câu” là không cần trình độ tay nghề, không cần bằng cấp mà vẫn có thu nhập cao khiến nạn nhân tin tưởng.
Ngoài ra theo TS Nguyễn Tuấn Anh, một trong những khó khăn cho những nạn nhân khi bị lừa là hầu hết những công việc dạng này người lao động gần như không có thông tin chính xác và đích danh của người thuê mình. "Đôi khi các công việc được giao về cho người lao động thông qua mạng xã hội hoặc qua trung gian là các shipper và nhận lại sản phẩm cũng thông qua shipper nên người lao động càng dễ bị lừa. Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ và hoạt động có tổ chức của các đối tượng lừa đảo nên nhiều khi người tìm việc không thể nhận diện được nếu thiếu hiểu biết và thiếu thông tin. Nhiều người bị rơi vào cái bẫy đã được các đối tượng giăng sẵn ra".
Cũng theo TS Nguyễn Tuấn Anh, nếu để tình trạng “bất cứ ai trong đời cũng từng bị lừa” tiếp diễn thì rất đáng lo ngại và bất ổn, gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Người dân không chỉ tổn hại về tiền bạc mà còn hoang mang, mất niềm tin vào xã hội.
Thực tế, lừa đảo “việc nhẹ lương cao” diễn ra chủ yếu trên môi trường số. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, các chuyên gia cũng cho rằng những quy định, hành lang pháp lý về quản lý không gian mạng xã hội của chúng ta chưa bắt kịp với thực tế cũng là một khía cạnh khiến tình trạng này ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, nhiều người dùng mạng xã hội chưa thực sự ý thức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên môi trường số.
“Tôi nghĩ ý thức của người dùng mạng là rất quan trọng. Bản thân mỗi người cũng cần phải có nhận thức và trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội. Chính sự hạn chế trong nhận thức của người dùng và nắm được tâm lý của người dùng mạng nên các đối tượng đã lợi dụng điều đó để gia tăng các hành vi lừa đảo”. TS Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Dù đã có rất nhiều cảnh báo nhưng với những chiêu trò ngày càng tinh vi thì mỗi ngày trên môi trường số, các không gian mạng vẫn diễn ra nhan nhản các vụ lừa đảo và số nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên. Nhiều người bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
"Một điểm dễ nhận diện là “những chiêu lừa này thường có đặc điểm là thông tin gần như không được công khai minh bạch. Vị trí làm việc hoặc công việc cần làm cũng không được mô tả cụ thể. Thêm nữa, những công việc mà quá đơn giản nhẹ nhàng nhưng lương, thu nhập lại cao một cách bất thường thì cũng là một tình huống đáng nghi ngờ”. TS Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Một điều chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, để có một công việc tốt thì thứ đầu tiên cần phải có là học thức và kinh nghiệm. Mỗi vị trí ứng tuyển luôn có những đòi hỏi nhất định về chuyên môn, kiến thức và sẽ không có công việc vừa nhẹ nhàng lại vừa lương cao.
Để nhận diện và phòng tránh bị lừa đảo với chiêu thức “việc nhẹ lương cao” các chuyên gia khuyến cáo: Nguyên tắc cơ bản nhất là giao dịch trực tiếp, không nên cung cấp bất kể thông tin cá nhân hay mật khẩu về thông tin cá nhân. Không đưa lên không gian mạng ví dụ như căn cước công dân, ảnh căn cước công dân, số tài khoản, email, số điện thoại…
Cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, cảnh giác trước các lời mời chào hấp dẫn rồi hứa hẹn thu nhập cao mà không cần phải đòi hỏi kinh nghiệm kỹ năng công việc. Khi tìm kiếm những vị trí việc làm những công việc cụ thể thì các bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, nhu cầu tuyển dụng, đánh giá vị trí việc làm, các yêu cầu của việc làm. Qua đó tham gia phỏng vấn trao đổi thật kỹ với nhà tuyển dụng. Không nên đặt cọc.
Người dân hãy tự mình nâng cao nhận thức để nhận diện những bất thường cũng như cảnh báo cho những người khác. Không “ngó lơ” các dấu hiệu lừa đảo là chúng ta đã góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh và an toàn.
Mời nghe nội dung cuộc trao đổi của VOV2 và TS Nguyễn Tuấn Anh tại đây: