Những ngày qua, nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dù có hoạt động nhưng không có xăng để bán. Chiều 1/11, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ đã báo cáo UBND TP. HCM tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10: 108/550 cửa hàng xăng dầu được cấp phép tại thành phố Hồ Chí Minh thiếu xăng để cung ứng ra thị trường. Như vậy, có tới 20% cửa hàng thiếu xăng dầu cung cấp cho người tiêu dùng. Tại Hà Nội, một số cây xăng bán cho người dân chỉ từ 30-50.000 đồng/xe.
Về vấn đề thiếu xăng dầu, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Đây là hiện tượng bất thường trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua, bởi kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá lên cao, nhưng chưa từng có hiện tượng đứt gãy nguồn cung. Nguyên nhân để xảy ra việc này, đại biểu Lâm cho rằng: Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài vấn đề chiết khấu, ông Lâm nhìn nhận vấn đề của thị trường xăng dầu hiện nay còn do điều tiết nguồn cung. “Doanh nghiệp nhập hàng nhưng giá cao khiến họ chần chừ, giờ hàng không về kịp nên bị thiếu, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết được vấn đề này”.
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại biểu Thành phố Hà Nội nhận xét, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. "Tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần). Sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí... chưa tốt", ông nêu quan điểm.
Ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị tại công văn số 10859/BTC-QLG. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN ngày 18/10/2022 về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có công văn số 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được công văn của Bộ Công thương.
Đại biểu Mai Khanh – Đoàn Ninh Bình cho rằng: Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về các nhà quản lý. Hiện nay, thông tin đầu vào, đầu ra, chi phí nhập khẩu cũng như sản xuất xăng dầu ở nước ta hết sức mập mờ. Chính vì vậy, đại biểu Mai Khanh cho rằng phải công khai, minh bạch về giá xăng thực tế hiện nay.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Chính phủ, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Chia sẻ về việc đưa xăng dầu về một mối, đại biểu Mai Khanh bày tỏ: Việc quản lý, cung ứng và kinh doanh xăng dầu hiện được giao cho 7 bộ, ngành cùng chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện là hợp lý. Nếu chỉ để Bộ Công thương quản lý dễ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực.
Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm lại cho rằng: Luật Giá hiện nay đang sửa đổi theo hướng tăng phân cấp, phân quyền đối với một số mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý về cho các bộ, ngành liên quan quản lý trực tiếp, không tập trung hết về đầu mối quản lý giá là Bộ Tài chính. Ví dụ, giao xăng dầu về Bộ Công thương quản lý là hợp lý, sẽ giúp giảm tải đầu mối. Cũng như việc giao cho Bộ Y tế quản lý giá thuốc. Bộ Tài chính chỉ quản lý chung, không thể quản lý sâu sát, đầy đủ như từng bộ ngành quản lý từng mặt hàng được. "Cái gì vướng thì cần đề xuất lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Còn trách nhiệm quản lý chính mặt hàng này là Bộ Công thương, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho bộ nọ, bộ kia được".