Những tiếng kêu la, khóc thét đến chói tai, những lời nói lảm nhảm liên hồi, những câu trả lời ngô nghê, rồi thậm chí có em đang ngồi yên bỗng lao ra ngoài trong vô thức, em thì bị tăng động thích đập đầu vào tường …cứ như thế nhiều giờ đồng hồ trôi qua, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên lớp học tự kỷ của Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An ở Ba Vì, Hà Nội phải xoay vần, tìm nhiều cách ứng xử phù hợp với 8 học sinh “đặc biệt”. Chị Trang cho biết, 8 học sinh trong lớp là 8 tính cách, 8 triệu chứng tự kỷ khác nhau. Bởi vậy, những lúc trẻ phát sinh hành vi kích động quá mức, chị phải nhẹ nhàng, tìm cách dỗ dành, rồi ôm trẻ vào lòng vỗ về yêu thương.

Theo chị Trang, dạy trẻ tự kỷ không thể tuân thủ giờ giấc như trẻ bình thường mà phụ thuộc vào chứng bệnh của trẻ. Đặc biệt hơn chị không chỉ là một cô giáo mà còn như một người mẹ, lo vệ sinh, ăn uống, lo trông chừng, kịp thời can thiệp lúc trẻ lên cơn kích động. Vất vả, khó khăn không thể nào kể hết nhưng chưa một lần chị kêu than. Thấm thoắt đến nay, hơn 10 năm năm gắn bó với trẻ tự kỷ, chị Trang đã lưu giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn và hàng trăm câu chuyện về những đứa con đặc biệt của mình.

“Lúc đầu cũng sợ, cũng lo, phải làm sao đáp ứng công việc nặng nhọc như vậy, trong khi các bạn ở đây thì quậy phá, có những hành động mình không lường trước được. Nhưng mình vẫn phải cố gắng để làm sao các con vừa tiến bộ mà vừa phải an toàn”, chị Trang trải lòng. Và với chị, không có hạnh phúc niềm vui nào hơn là sự tiến bộ từng ngày của các em.

Dạy trẻ tự kỷ là một sự cố gắng liên tục bền bỉ. Đơn giản như có trẻ vào trung tâm không biết cả đi vệ sinh, nhưng giờ đã biết nắm lấy tay cô giáo chỉ vào nhà vệ sinh để ra hiệu hoặc cũng có em thì biết tự kéo quần xuống. Và chỉ cần được như thế thôi là đã mừng lắm rồi”. Hiểu và cảm thông nên bao năm qua, chị luôn tâm niệm: Dạy trẻ tự kỷ không thể ngày một ngày hai mà để có được quả ngọt nhiều khi phải chờ… bằng nhiều tháng, thậm chí bằng năm.

Là người gắn bó với trẻ tự kỷ từ những ngày đầu Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An thành lập, chị Hồ Hải Hậu, Trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỷ cho biết, mỗi trẻ tự kỷ có những đặc điểm riêng, không trẻ nào giống trẻ nào. Chuyện các em khóc, các em cười vô cớ, hay đập phá đồ đạc là những chuyện rất bình thường ở nơi chăm sóc trẻ tự kỷ. Thậm chí, trong cuộc đời làm nghề của mình, chị Hậu và các đồng nghiệp đều phải trải qua một vài lần bị học trò đánh hoặc xô ngã.

Cũng theo chị Hậu, về cơ bản, có hai hình thức can thiệp là theo nhóm và cá nhân. Hình thức can thiệp nhóm là quy trình khép kín của các hoạt động, mỗi giờ có một nội dung khác nhau để phát triển các kỹ năng vận động, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, kỹ năng tự lập, tương tác xã hội,… Can thiệp cá nhân dựa trên kết quả đánh giá khả năng của từng em để xây dựng nội dung can thiệp riêng, phát triển tối đa khả năng độc lập nhất có thể. Đối với nhóm lớn tuổi không đủ khả năng học văn hóa, các em không có ngôn ngữ và các dạng tật khác khoa sẽ tập trung dạy kỹ năng tự phục vụ cá nhân như: đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, tắm giặt... Đây là những kỹ năng tối thiểu cần thiết cho cuộc sống sau này của các em.

“Đa phần các con lớn ở các tỉnh, thành phía Bắc về là các con không được qua can thiệp sớm, hoặc có được đi nhưng không hết quy trình, hoặc các bạn lớn quá không đâu nhận nữa. Nếu có nhân lực thì một thầy một trò sẽ giải quyết hỗ trợ được cho các bạn ý nhiều hơn, còn quy trình nhóm thì để tham gia các hoạt động chung là đã quá vất vả rồi. Nói chung dạy trẻ tự kỷ phải kiên trì bền bỉ không phải ngày một ngày hai là dạy được”, chị Hậu chia sẻ.

Vất vả là vậy nhưng với chị Trang, chị Hậu hay như anh Nguyễn Thanh Sơn, hiện đang phụ trách lớp chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ lớn đều lấy sự tiến bộ của trẻ làm niềm vui, hạnh phúc trong công việc. Hơn 10 năm qua, vượt qua rất nhiều trở ngại, thử thách, áp lực, anh Sơn dành hết tình yêu thương cho các em. Sự hy sinh thầm lặng của anh đã giúp cho biết bao em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống.

“Các cháu tự kỷ lớn đa số là cháu trai, khỏe, hay bị tăng động nên rất vất vả. Thêm nữa hành vi giới tính của các cháu ở tuổi này rất mạnh nên nếu ở cộng đồng, ở khu dân cư họ cũng rất sợ. Vào đây chúng tôi phải lựa thì mới can thiệp hỗ trợ tâm lý cho các bạn ý được”, càng hiểu, càng cảm thông, anh Sơn càng thương những đứa trẻ ở đây nhiều hơn.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ còn khó gấp trăm ngàn lần. Nhưng chính sự kiên trì, bền bỉ, tình yêu thương vô bờ của những thầy cô giáo ở Trung tâm Thụy An đã thắp sáng niềm hy vọng cho biết bao trẻ tự kỷ ở khắp mọi nơi…Với họ hạnh phúc thật giản đơn khi những đứa trẻ đặc biệt ấy tiến bộ từng ngày và làm được những việc... bình thường nhất.

Mời các bạn nghe bài viết tại đây