Cả nước hiện có 28/63 tỉnh, thành phố có biển. Các kịch bản dự báo cho thấy, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu (BĐKH) khu vực ven biển của Việt Nam thường xuyên phải chịu rủi ro do thiên tai nhiều nhất cả nước và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế. "Nước ta là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất của BĐKH nhưng cũng đóng góp rất nhiều cho hoạt động này, có những nghiên cứu đầy đủ hơn và đặc biệt là nhìn thấy bức tranh BĐKH nhanh hơn khốc liệt hơn trước đó", GS – TS Mai Trọng Nhuận – cố vấn cấp cao khoa học Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Các khu vực dễ bị tổn thương nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhất khi nước biển dâng. Khu vực bờ biển Quảng Ninh - Thanh Hóa và Nghệ An - Hà Tĩnh có nguy cơ cao nhất về nước dâng do bão với mực nước dâng cao hơn 6m. Do vậy, để ứng phó hiệu quả với thiên tai và BĐKH, việc chủ động thích ứng BĐKH sẽ đem lại hiệu quả cho địa phương trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Lợi ích của việc chủ động thích ứng sẽ tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và kinh tế của các tỉnh. Trên hết, các địa phương có thể nâng cao được khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Trong trận siêu bão Yagi vừa qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 20 tỷ đồng. Để ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thời gian qua, tỉnh đã lắp đặt thêm nhiều trạm đo mưa tự động đặc biệt là ở các khu vực ven sông, suối nhằm nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Với hình thức "đầu tư tư, quản trị tư và sử dụng công", trạm đo mưa tự động đã giúp cập nhật lượng mưa liên tục, thay vì phải mất 6 tiếng như trước đây. Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh đang tiếp tục bổ sung, lắp đặt thêm 10 trạm đo mưa nữa, nâng tổng số trạm đo mưa là 30 trạm, hoàn thành kế hoạch số 107 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về khí tượng thủy văn. Từ khi lắp đặt thì các trạm này hoạt động thông suốt, có hiệu quả, lượng mưa được đo ở các điểm đo được đánh giá đúng thời điểm và thời gian thực. Chính vì những yếu tố này đã cảnh báo cho vùng có nguy cơ cao về mưa lớn đang diễn ra và sắp diễn ra để bà con có phương án phòng chống có hiệu quả.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè đồng thời yêu cầu các địa phương tập huấn diễn tập và cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế. Ông Nguyễn Mạnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định cho biết hiện tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho từng thành viên cũng như các tổ nhóm xung kích ở những địa bàn có nguy cơ cao trong tuyên truyền vận động và di dời người dân vào khu vực an toàn mỗi khi có bão lớn xảy ra.
Trước hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra những năm qua, Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị đề cao ý thức, trách nhiệm, chủ động bằng nhiều giải pháp, cách làm sát với thực tiễn tình hình địa phương, bảo đảm lực lượng vũ trang trong việc tổ chức triển khai phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và giúp nhân dân khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất. Theo Đại tá Phạm Văn Dũng, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4, việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ là rất quan trọng trong việc ứng phó với thiên tai vùng ven biển. Khi có tình huống xảy ra thì thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm, 3 bám là: bám dân, bám địa bàn, bám khu vực trọng điểm và 5 cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng địa bàn, cùng chống chọi với nhân dân để khắc phục, sự phối hợp của các lực lượng trên địa bàn và phát huy vai trò của các tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Qua nhiều năm thì chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học, và phát huy được lực lượng 4 tại chỗ thì hiệu quả giảm thiểu thiên tai trên địa bàn quân khu là rất lớn, để đảm bảo sớm ổn định đời sống của nhân dân, Đại tá Phạm Văn Dũng cho biết.
Để ứng phó hiệu quả với thiên tai và BĐKH ở các địa phương ven biển cùng với việc hoàn thiện hệ thống cơ chế và chính sách, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động thích ứng với BĐKH đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và xã hội, dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á./.
Mời nghe phóng sự tại đây: