Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong giảm nghèo gắn liền với kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhờ kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế, tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, và chính nhờ sự nỗ lực của mỗi người dân, Việt Nam đã thu được các kết quả giảm nghèo khá ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong từng giai đoạn, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo. Đầu năm nay, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 07, quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Trong lần điều chỉnh thứ 8 này, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia hướng tới xác định, nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác và toàn diện hơn. Chuẩn nghèo đa chiều mới được áp dụng như thế nào?

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 có một số điểm khác biệt so với năm trước. Năm 2021 này vẫn áp dụng theo mức chuẩn nghèo cũ do chúng ta phải chịu tác động lớn của dịch covid - 19 cho nên ngân sách chi cho chính sách giảm nghèo cũng bị ảnh hưởng. Bắt đầu năm năm 2022 - 2025 sẽ áp dụng chuẩn mới. Về cơ bản thì chuẩn mới kế thừa những thành quả của chuẩn cũ. Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm có: Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm các dịch vụ xã hội cơ bản là: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin."

Mời các bạn nghe ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn một số trường hợp cụ thể của thính giả.