Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dịch Covid-19 khiến 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên mất việc làm, giảm thu nhập; 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; gần 4 triệu người (20% tổng số lao động) phải tạm ngừng làm việc. Mất việc, nhiều người đành phải bỏ thành phố - nơi mình đã từng gắn bó 1 thời gian dài – để trở về quê. Đây được xem là tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi họ không còn lựa chọn nào khác.

Theo ước tính số lao động hồi hương có thể bằng dân số của 1 tỉnh có quy mô trung bình. Ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao động hồi hương. Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Huân, dịch Covid-19 với biến thể mới có tốc tộ lây lan rất nhanh, nguy hiểm. Để kiểm soát được dịch bệnh, các tỉnh thành đã phải thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm. Nguồn tích lũy không còn khiến hầu hết những lao động nhập cư không còn “sức đề kháng” để trụ lại ở thành phố.

Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý của người lao động. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, mỗi nơi, mỗi địa phương lại có 1 kiểu chống dịch khác nhau. Điều này khiến không ít người hoang mang, mất niềm tin nên đành lựa chọn trở giải pháp về quê tránh dịch.

Với số lao động hồi hương lớn như vậy gây ra áp lực rất lớn cho địa phương và cho chính bản thân người lao động. Các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn như: kinh tế chậm phát triển không có nguồn thu nhưng lại phải chi nhiều hơn về y tế, an sinh xã hội, lao động thiếu hụt…Trong khi đó người lao động về quê cũng phải đối mặt với những khó khăn mới như: việc làm, nhà ở, học hành của con cái…Không phải lao động nào trở về cũng có thể tìm được việc làm ngay tại quê nhà.

Từ những cuộc trở về như thế này, chúng ta thấy một nghịch lý đó là ở những thành phố lớn, các doanh nghiệp bị thiếu lao động, trong khi đó người lao động trở về quê lại chật vật để tìm kế sinh nhai. Dòng người di cư trở về quê đã để lại những hậu quả rất nặng nề cho chuỗi sản xuất ở những thành phố lớn đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Theo cuộc khảo sát mới đây, sau khi hết giãn cách các doanh nghiệp ở TP.HCM mới chỉ có 60% lao động làm việc. Mặc dù, đã có nhiều chính sách để mời gọi lao động quay trở lại như: tư vấn việc làm miễn phí, hỗ trợ nhà ở cho người lao động…thế nhưng theo nhiều chuyên gia từ giờ đến cuối năm TP.HCM và 1 số tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai... vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, hiện nay, thị trường lao động đã phát triển nên nhu cầu kết nối rất đa dạng. Doanh nghiệp, người lao động có thể kết nối với nhau qua trung tâm việc làm, các trang tuyển dụng…Để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động, các địa phương cần phải nắm rõ số lao động mong muốn ở quê làm việc cũng như số người mong muốn quay trở lại nơi làm trước kia để có biện pháp và chính sách hỗ trợ kịp thời.

Đa số lao động trở về là những người có tay nghề thấp, lao động tự do. Những lao động này muốn tìm được việc làm đòi hỏi phải được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tuy vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động, tuy nhiên, tâm lý của các doanh chỉ muốn tuyển dụng lao động tại địa phương và có nhu cầu làm việc lâu dài nên cơ hội việc làm đối với những lao động về quê tránh dịch là rất ít.

Để tạo sinh kế cho lao động hồi hương ngoài những hỗ trợ trước mắt như: tạo việc làm, hỗ trợ mua cây, con giống, cấp đất rừng sản xuất… thiết nghĩ các địa phương cũng cần có kế hoạch lâu dài. Mỗi địa phương tùy thuộc vào điều kiện của mình để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển công nghiệp cũng nên gắn với các thiết chế văn hóa xã hội để làm sao nâng cao chất lượng đời sống người lao động, coi người lao động kể cả lao động nhập cư là nguồn lực chính đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương đó./.

Nghe nội dung cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Huân dưới đây: