Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Do vậy, Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động kêu gọi, khuyến khích cộng đồng tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Trong cuộc chiến này, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, nhất là xử lý các loại rác thải nhựa khó thu gom, khó tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần.

Trao đổi với PV VOV2, ông Nguyễn Thi, Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường thông tin, ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta ngày càng ngày càng gia tăng. Nếu như năm 1990 mỗi người chỉ sử dụng bình quân khoảng 3,8kg/năm thì hiện nay con số này đã tăng lên khoảng 52kg/người/năm (tăng gấp gần 14 lần sau hơn 30 năm).Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Trong bối cảnh như vậy, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Phát triển xanh, phát triển bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp.Ngày càng nhiều các doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định về nhận thức lẫn hành vi trong xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Ông Khuất Quang Hưng, Phó Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, công ty Nestle Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2019, toàn bộ nhân viên văn phòng trong công ty đã không sử dụng các sản phẩm từ nhựa và đồ nhựa dùng một lần bằng việc mang chai thủy tinh, dùng cốc thủy tinh… Đối với các sản phẩm của công ty thì bắt đầu từ tháng 02 năm 2019, các ống hút nhựa đã dần được thay thế bằng ống hút giấy. Theo ông Hung, chỉ là một sự thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất lớn. Việc giảm rác thải nhựa như thế này thì riêng Nestle Việt Nam đã giảm được 700 tấn nhựa một năm.

Hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần trong sinh hoạt hàng ngày hoặc mang chai thủy tinh hay hộp đựng cá nhân khi đi mua đồ ăn cũng là một trong những hành động sống xanh, hạn chế rác thải nhựa. Các doanh nghiệp đang có nhiều cách thức để kêu gọi người dân cùng chung tay giảm rác thải nhựa và đồ nhựa dùng một lần. Bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững, AEON Việt Nam cho biết, giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần thể hiện trách nhiễm xã hội của công ty trong việc bảo vệ môi trường. Đây cũng cam kết cùng hành động với khách hàng và chính quyền của công ty nhằm thúc đẩy các giải pháp tiêu dùng bền vững. Việc hạn chế dùng túi nilon và khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi vải không dệt, chuyển đổi các vật dụng bằng nhựa và xốp dùng một lần sang các vật dụng được làm từ chất liệu thân thiện môi trường như giấy, bã mía … là những hành động thiết thực mà AEON đã và đang thực hiện. Bà Nguyễn Bằng Lăng cho biết thêm, khi tiếp xúc với khách hàng thì AEON Việt Nam cố gắng đưa ra những chương trình và chiến lược để có thể hỗ trợ được khách hàng đưa ra những quyết định bảo vệ môi trường một cách dễ dàng hơn.

Giải quyết nạn “ô nhiễm trắng” là một trong những yêu cầu hiện nay của mỗi quốc gia. Để giảm rác thải nhựa thì giảm đồ nhựa dùng một lần cũng là một trong những giải pháp đang được thực hiện. Để làm được điều này hiệu quả và đồng bộ thì cần có lộ trình khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi côngnghệ, chuyển sang sản xuất những sản phẩm phân hủy được. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân và cả cộng đồng không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh sạch hơn. Theo tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Chi hội Nữ Trí thức Bảo vệ Môi trường và Biến đổi khí hậu, Hội nữ trí thức Việt Nam, thay đổi được hành vi của người sử dụng là điều vô cùng quan trọng. Nếu như chúng ta áp dụng 3R (là giảm thiểu – tái sử dụng và tái chế) thì sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường và tôi nghĩ rằng đấy là việc mà Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ một phần trong số này được xử lý. Chính vì thế, lượng rác thải nhựa trong môi trường ngày càng nhiều nên cần thay đổi nhận thức và cách thức khi xử lý rác thải nhựa thì mới có sự thay đổi trong thực tiễn. Bà Hoàng Hoa, chuyên gia môi trường độc lập phân tích, giảm rác thải nhựa cần thay đổi trong cách tiếp cận, thí điểm một cách hiệu quả 3R.

Tái chế rác thải nhựa để tạo ra những sản phẩm mới có ích hơn đang là phương pháp được ưu tiên hiệu nay. Tái chế rác thải nhựa sẽ giúp làm sạch môi trường và tái sử dụng tài nguyên. Đây là điều cần thiết để giữ môi trường xanh – sạch, hướng tới phát triển bền vững. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng hành cùng các chính sách và định hướng của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa là yêu cầu cốt lõi của phát triển bền vững. Điều này không những giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế cao hơn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển xanh.