Những năm gần đây, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, vượt ngoài mong đợi...Đặc biệt với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, công tác cải cách hành chính tiếp tục có những đổi mới đáng kể.

TS. Đinh Duy Hoà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đánh giá cao về những nỗ lực, cùng nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến tạo đột phá trong cải cách hành chính. Điều này đã góp phần giảm thiểu phiền hà khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến các cơ quan công quyền làm thủ tục hành chính.

“Chúng ta nỗ lực cải cách hành chính cho đến nay cũng gần 35 năm tính từ năm 1990. Đặc biệt là với Nghị quyết Trung ương 8 khóa 7 năm 1995, Nghị quyết mở đầu cho câu chuyện đẩy mạnh cải cách một bước các thủ tục hành chính thì đến nay có quá nhiều bước tiến thay đổi”. Nhận định điều này, TS Đinh Duy Hòa cũng phân tích khá cụ thể, trước hết, đó là các thủ tục hành chính đã được công khai, đơn giản hóa ở mức độ nhất định. Thứ hai là thái độ phục vụ của công chức, viên chức so với cách đây 20 năm đã niềm nở, thân thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt, để triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, Bộ Nội vụ đã từng yêu cầu liên quan đến việc tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ công tác chọn mẫu khảo sát đo lường sự hài lòng tại địa phương mình. Từng bộ, ngành, địa phương phải ban hành các tiêu chí cụ thể hơn để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, trong đó cần xây dựng quy định chi tiết với cán bộ, công chức bị nhiều người dân đánh giá không hài lòng để xác định trách nhiệm, xử lý chính xác, đồng thời xây dựng trang web cho người dân đánh giá và phải bảo mật tuyệt đối ý kiến của người dân. Đây là một giải pháp có thể coi là đột phá để tiếp tục đem lại sự hài lòng cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đâu đó ở một số địa phương tình trạng "ngâm" hồ sơ, giấy tờ của người dân vẫn xảy ra, gây bức xúc, tạo niềm tin xấu trong dư luận xã hội. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, TS Đinh Duy Hòa cho rằng, việc "ngâm" hồ sơ của người dân, doanh nghiệp cần nhìn nhận ở nhiều góc độ. Ở khía cạnh khách quan có thể thấy, một số hồ sơ vướng quy định pháp luật, có nhiều "điểm nghẽn", không có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để giải quyết; hoặc khi làm có thể sai nên cán bộ không dám làm.

Bên cạnh yếu tố khách quan thì lý do chính, chủ yếu là từ phía các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, có trách nhiệm trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có biểu hiện "vòi vĩnh", tiêu cực.

Theo ông Hòa, trên thực tế, cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết các công việc với dân không ít lần làm cho người dân buồn lòng, bức xúc và cả phẫn nộ vì thái độ không đúng mực, hay có những hành vi tiêu cực, gây ức chế. Một số người còn hạch sách, quát nạt, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết ý kiến, khiếu nại của người dân. Có tình trạng cán bộ tự đặt thêm thủ tục hành chính để vòi vĩnh, đặt giá, hoặc giới thiệu các đơn vị làm dịch vụ với giá cao để chia nhau phần chênh lệch. Đặc biệt, còn có sự cấu kết của một bộ phận cán bộ, công chức giữa các đơn vị, các ngành với nhau, tạo thành nhóm lợi ích để thao túng, tìm cách làm sai quy định, lách luật để hưởng lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, nhiều địa phương đã thẳng thắn nêu tên, công khai danh tính những đơn vị, cán bộ, lãnh đạo chậm trễ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính để người dân được biết. Thậm chí nhiều địa phương, như Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Nam Định… người đứng đầu còn trực tiếp hoặc gửi thư để xin lỗi tới người dân, doanh nghiệp về việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức người dân.

Theo TS Đinh Duy Hòa, đây là một giải pháp thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt và đã được quy định khá rõ tại Nghị quyết số 85 năm 2022, trong đó phần liên quan đến thủ tục hành chính, cải cách hành chính, Chính phủ nêu rõ hàng tháng phải công khai danh tính của tập thể và cá nhân, các cơ quan chậm trễ quá hạn rồi có hiện tượng hành vi tiêu cực lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và của các địa phương. Khi bị chỉ đích danh như vậy không chỉ khiến bản thân cán bộ xấu hổ mà mọi danh hiệu, tiền thưởng của cơ quan, cá nhân năm đó cũng sẽ bị tước bỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TS Đinh Duy Hòa cũng cho rằng, xin lỗi và công khai danh tính là biện pháp cần thiết nhưng mới chỉ là bước đầu và chưa đủ. Để thực sự tạo ra thay đổi, cần có những biện pháp mạnh tay hơn, những chế tài rõ ràng để xử lý những cán bộ vi phạm, thậm chí loại khỏi bộ máy nếu cần thiết. “Chỉ bằng những chế tài xử lý nghiêm khắc mới tạo áp lực để cán bộ cải thiện phong cách làm việc”, TS Hòa khẳng định.

Ngoài ra cũng theo TS Hòa, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính để vừa động viên, khuyến khích cũng vừa ngăn ngừa họ tiêu cực, nhũng nhiễu với phương châm là “không dám tiêu cực, không cần phải tiêu cực”.