Nghe bài viết tại đây:

COP21 diễn ra năm 2015 tại Thủ đô Paris nước Pháp được gọi là một thỏa thuận lịch sử khi có khoảng 200 nước tham gia nhất trí với mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng lý tưởng nhất của Hiệp định này là giữ ở mức 1,5°C.

"Muốn giữ cho nhiệt độ tăng trong khoảng 2°C thì năm 2030 phải giảm đạt đỉnh phát thải của thế giới giảm dần và thậm chí bằng 0 vào cuối thế kỷ may ra mới giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp" - GS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu nhận định.

Thế nhưng mọi thứ có vẻ không như hứa hẹn. 25 kỳ Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã diễn ra với rất nhiều cuộc họp lớn, nhỏ, thế nhưng nhiệt độ Trái đất vẫn tăng lên 1,1°C. Khoảng 10 năm nữa mà nhiệt độ chỉ tăng khoảng 0,4 °C thì e rằng đó là điều không tưởng.

"Các quốc gia chịu trách nhiệm cao nhất về lượng khí thải trong lịch sử vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ của mình" -Thủ tướng Anh Boris Johson kêu gọi các nước cần có trách nhiệm với hành tinh.

Trước thềm Hội nghị, cả thế giới nín thở chờ chốt danh sách nguyên thủ nước nào sẽ đặt chân đến Glasgow. Cuối cùng 120 nhà lãnh đạo tham gia, trong đó có sự trở lại của Mỹ, nhưng vắng bóng Nga và Trung Quốc. Cựu Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris tháng 6-2017 vì cho rằng “Thỏa thuận là một sự dối trá” và “không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ”. Thời của Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại với Hội nghị này và cam kết trách nhiệm chung tay cùng thế giới giảm phát thải khí nhà kính. Mỹ là quốc gia lớn về tiềm lực kinh tế, đóng góp chủ yếu cho Qũy Khí hậu xanh 100 tỷ USD giúp các nước đang phát triển cắt giảm khí thải CO2, đồng thời hạn chế việc khai thác năng lượng hóa thạch tiến tới khai thác năng lượng xanh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói COP26 là khởi đầu của một thập kỷ tham vọng và đổi mới để duy trì tương lai chung của chúng ta. Rằng "nếu chúng ta đến với nhau, nếu chúng ta cam kết thực hiện phần việc của mình đối với mỗi quốc gia thì chúng ta có thể giữ mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống chỉ 1,5 độ C trong tầm tay".

Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ là 4 nền kinh tế phát thải lớn nhất và được xem là chìa khóa để hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26, cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều "đưa ra những lời hứa mới" khi đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, cách giảm phát thải khí nhà kính hiện nay chỉ còn trông chờ vào công nghệ và công nghệ. Vai trò của các quốc gia là không giống nhau. Các nước lớn có trách nhiệm hỗ trợ kinh tế, chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo và đang phát triển, chứ thực ra, chẳng quốc gia nào dám đánh đổi kinh tế để đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.