Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến sẽ công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take - GST) đầu tiên để đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vậy một tuần làm việc vừa qua, COP 28 đã đạt được những thỏa thuận gì và đâu là thách thức cho các bên tham gia giải quyết trong những ngày tới. Dưới đây là những chia sẻ của ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Năng lượng của UNDP từ COP28 tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà COP28 đã đạt được sau một tuần làm việc?

Ông Đào Xuân Lai: Trong tuần đầu tiên, thắng lợi lớn nhất đó là COP28 đã thống nhất và bắt đầu vận hành Quỹ tổn thất thiệt hại. Đến nay các nước đã đóng góp được khoảng trên 700 triệu đô la Mỹ. Bốn nước đóng góp nhiều nhất đó là nước chủ nhà UAE, Đức, Pháp, Ý. Đây là 4 nước đóng góp một trăm và trên một trăm triệu đô.

Thành quả thứ hai là 124 nước đã ký "Tuyên bố về khí hậu và sức khỏe", đây là một phần của gói tổng thể. Năm nay là năm đầu tiên có Hội nghị Bộ trưởng cũng như các hội nghị liên quan trong vòng 02 ngày về vấn đề y tế và quan tâm đến việc ảnh hưởng giữa khí hậu và sức khỏe. Việt Nam cũng đã tham gia, ủng hộ tuyên bố này. Tất nhiên còn các thủ tục tiếp theo, Việt Nam sẽ phải chính thức hóa viết thư để cam kết như đã tuyên bố ở tại hội nghị các bên.

Thứ ba là các bên cũng đã tham gia ký “Cam kết làm mát toàn cầu” (Global Cooling Pledge). Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết tự nguyện này.

Cam kết này có mục tiêu nâng quyết tâm của các nước tham gia cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế, thông qua đó tăng cường tiết kiệm năng lượng, đưa ra các hướng giải quyết, cách tiếp cận thân thiện với môi trường trong các trang thiết bị. Làm mát ở đây bao gồm có điều hòa và hệ thống làm lạnh như tủ lạnh hay hệ thống làm lạnh phục vụ cho ngành y tế hay các ngành kinh tế khác. Cam kết sẽ giúp cho việc thay đổi công nghệ, cách tiếp cận cũng như hợp tác giữa các bên để chuyển giao công nghệ giúp giảm giá thành để người dân có thể tiếp cận công nghệ, dịch vụ làm lạnh tốt hơn, phục vụ đời sống, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ tư, hiện nay chưa có con số thống kê chính thức là bao nhiêu nước đã tham gia vào cam kết nông nghiệp xanh, thực hành canh tác xanh cũng như tài chính cho thúc đẩy nông nghiệp xanh. Việt Nam có tham gia tọa đàm và cũng sẽ tham gia vào cam kết này.

Phóng viên: Tài chính luôn là mục tiêu quan trọng mỗi kỳ họp, bởi đó là cơ sở để các nước giàu giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Vậy nội dung này đã được thảo luận như thế nào và đạt kết quả gì thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Cũng có một tuyên bố khá chính thống bởi Chủ tịch COP28 là Tổng thống UAE. Ông đưa ra sáng kiến thiết lập quỹ đầu tư tập trung vào khí hậu với giá trị là 30 tỉ đô. Mỹ và các nước cũng rất ủng hộ sáng kiến này. Tuy nhiên, mới chỉ có nước chủ nhà cam kết là sẽ đưa vào đấy 30 tỷ đô, còn các nước khác chưa cam kết cụ thể là bao nhiêu.

Liên quan đến Quỹ khí hậu xanh và Quỹ môi trường toàn cầu cũng đã và đang huy động nguồn tài chính cho đợt tiếp theo. Một số nước đã cam kết đóng góp cho quỹ này như Mỹ đã cam kết đóng góp khoảng 3 tỉ đô la, Đức và một số nước khác cũng đang tiếp tục.

Tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong tuần tới cần phải giải quyết. Ví dụ như cam kết tài chính 100 tỉ trước đây đến năm 2020 phải đạt được nhưng rõ ràng là đã không đạt được và đến 2023 vẫn đang thảo luận. Một số tính toán tổng hợp lại thì có vẻ như đạt được nhưng mà các nước đang phát triển thì không đồng ý. Có nghĩa là con số 100 tỉ cam kết vẫn chưa đạt được, vẫn tiếp tục thảo luận.

Phóng viên: Vậy còn thách thức nào đặt ra nữa, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Đó là các vấn đề cần phải giải quyết sau khi có đánh giá toàn cầu về khả năng, tức là nỗ lực phát thải cho đến bây giờ thì đóng góp ở đâu và xu hướng như thế nào? Có những báo cáo khuyến cáo là chúng ta sẽ có thể gần như trượt mục tiêu 1,5 độ C và sẽ hướng đến nóng lên toàn cầu khoảng 3,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vì vậy, đang thảo luận rất gay gắt rằng các nước phát triển sẽ phải dẫn dắt, sẽ phải làm nhiều hơn và tất cả các nước bây giờ phải vào cuộc để làm nhiều hơn. Năm nay có báo cáo đánh giá toàn cầu để các bên làm cơ sở thúc đẩy hợp tác.

Một thách thức nữa thì khung thích ứng toàn cầu cũng đã đưa ra rồi. Tuy nhiên đến bây giờ cần một cái khung chỉn chu hơn, đầy đủ các tiêu chí và các bên cam kết sẽ phải làm theo khung này. Tuần tới sẽ tiếp tục thảo luận để đưa ra khung sơ bộ.

Xin cảm ơn ông Đào Xuân Lai đã cung cấp thông tin từ UAE./.