Theo kết quả một cuộc khảo sát tại Việt Nam năm 2020, hơn 30 triệu lao động chịu tác động của đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, họ đã và đang bị mất hoặc giảm sâu về thu nhập do mất, giảm việc làm và tạm dừng làm việc. Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, trong khi đó, họ ít được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội; không có bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội việc làm thay thế.

Bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Quỹ vòng tay Nhân ái, Phó Viện trưởng Viện Phát triển, Sức khỏe cộng đồng, chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng, trong đại dịch covid- 19 hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Thông thường những chính sách này được chia làm hai loại: Một loại hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và một loại hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Các chính sách của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh thời gian qua được đánh giá là vô cùng kịp thời, mang tính nhân văn cao. Một trong những chính sách mang tính đột xuất này, phải kể tới gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ được triển khai từ tháng 5 năm ngoái. Đây là gói hỗ trợ chưa có trong tiền lệ và tương đối toàn diện, để trợ sức cho người lao động và cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch covid- 19.

Sau thời gian đầu triển khai, những hiệu quả từ chính sách hỗ trợ này được xem như phao cứu sinh, giúp cho nhiều gia đình và các doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực từ dịch bệnh. Thế nhưng trên thực tế giữa chính sách và thực tiễn luôn có một độ vênh nhất định và nếu như khoảng cách của độ vênh ấy càng lớn thì những bất cập trong quá trình triển khai sẽ càng lớn.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, đối với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, điều chúng ta cần phải bàn đến đó chính là tốc độ giải ngân quá chậm, làm mất đi ý nghĩa của tính cấp thiết. Theo các con số thống kê, các đối tượng đã được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này tập trung chủ yếu vào những hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người đang được hưởng các chính sách của nhà nước. Còn những nhóm đối tượng lao động tự do mất việc làm thì lại chưa bao phủ được nhiều. Thậm chí ngay cả nhóm doanh nghiệp tỷ lệ tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn cũng chưa cao.

Tính đến cuối tháng 12 năm 2020, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 12,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ gần 13 triệu người và hơn 30.500 hộ kinh doanh.

“Nếu chúng ta bỏ sót, lọt lưới khoảng 50% đối tượng đáng lẽ được hưởng lợi và 50% đó lại rơi vào đúng những người có nguy cơ bị rơi xuống đáy nghèo nhất, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì điều đó đã làm mất đi ý nghĩa hỗ trợ khẩn cấp của chính sách…”, bà Giang nhấn mạnh.

Nhìn nhận nguyên nhân của những bất cập này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, đây là một gói hỗ trợ lớn, chưa có tiền lệ, lại được xây dựng trong bối cảnh vô cùng khẩn cấp nên chưa có những kinh nghiệm trong quá khứ để có thể làm được tốt việc triển khai trên thực tế. Ngoài ra trong rất nhiều báo cáo của Chính phủ cũng như trong cuộc khảo sát khác nhau có thể dễ dàng nhận thấy, dường như tính dự báo cũng như sự nghiên cứu về thực tiễn đang còn thiếu và chưa thật đầy đủ, chưa đủ tầm để có thể dự báo được một câu chuyện mang tính dài hơi hơn.

Còn ở góc độ nghiên cứu của mình, bà Thu Giang chỉ ra một nguyên nhân nữa khiến gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ chưa được như kỳ vọng đó chính là sự phối hợp trong toàn bộ hệ thống, đặc biệt là phần cuối của dây chuyền, tức là phần thực thi chính sách tại địa phương, đã tạo ra nhiều cản trở, khó khăn khác nhau khiến cho người dân cũng sẽ khó hơn trong việc tiếp cận chính sách.

Sau một thời gian triển khai, với những bất cập được chỉ rõ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nhiều lần đề xuất nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng, tới các chủ thể khác trong chính sách này. Đặc biệt tới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có báo cáo, tổng kết, đánh giá tác động một cách đầy đủ hơn về những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ để trình Chính phủ.

“Đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ nên những bất cập trong quá trình triển khai là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy một báo cáo đánh giá từ nhiều chiều, lắng nghe từ nhiều cơ quan đơn vị là vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại những bất cập, rút ra những bài học kinh nghiệm, những nút thắt nào cần phải được gỡ mở để kịp thời giải quyết. Quan trọng hơn, qua các đánh giá cũng lắng nghe được những tâm tư nguyện vọng từ những đối tượng trực tiếp hưởng lợi cũng như có những điều chỉnh phù hợp tiếp theo”- Bà Thu Giang chia sẻ quan điểm.

Tới đây những những tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp và xây dựng các gói hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để các chính sách kịp thời đến đúng và trúng các đối tượng cần được hỗ trợ, trong quá trình triển khai cần tránh lòng vòng, không để độ trễ giữa chính sách và thực tiễn quá lớn; đồng thời, phải công khai, minh bạch, tránh trục lợi khi thực hiện chính sách…Mà muốn làm được điều này thì quá trình xây dựng chính sách dù rất gấp, cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của chính những người hưởng lợi.

Ngoài ra với bất kỳ một chính sách nào, trong quá trình thực thi thì cần có vai trò giám sát nghiêm túc của các cơ quan chức năng, của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành và đặc biệt là vai trò giám sát của chính người dân.

Cùng với việc xây dựng các chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp, đột xuất thì khó khăn do covid- 19 gây ra cũng là lúc để người lao động nhìn nhận rõ những rủi ro và hiểu hơn tầm quan trọng của an sinh xã hội.Cuộc khủng hoảng vì đại dịch covid- 19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mở rộng hệ thống an sinh xã hội và xem đó là một trong những công cụ hữu ích để bình ổn xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

“Trong nguy có cơ, chính những thách thức từ covid cũng là lúc để chúng ta tự đánh giá lại sức đề kháng của câu chuyện về an sinh xã hội, đánh giá lại sức đề kháng của bản thân người dân, doanh nghiệp cũng như của đất nước. Chúng tôi hy vọng rằng những chính sách an sinh xã hội sẽ được đo lường và coi đây là một bài học kinh nghiệm quý giá để có những cách tiếp cận, thậm chí nhiều khi phải chấp nhận không chạy theo thành tích để có thể giải quyết được những câu chuyện nền tảng của an sinh xã hội”- Bà Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh.

Mời các bạn nghe nội dung cuộc trò chuyện giữa PV VOV2 và bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Quỹ vòng tay Nhân ái, Phó Viện trưởng Viện Phát triển, Sức khỏe cộng đồng ngay dưới đây.