Những ngày gần đây, khi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và cả nước đang gồng mình chống lại làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 thì liên tục trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin bịa đặt, giả mạo.

Đơn cử như một số tài khoản facebook đăng tải bức ảnh “xác chết do Covid-19” và chú thích là ở một bệnh viện TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua xác minh từ cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar.

Mới đây nhất là vụ việc trên mạng xã hội Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh 1 người đàn ông tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức kèm theo những bình luận "bức xúc về cách chống dịch Covid-19, người dân phẫn uất, bức bách tự thiêu".

Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. HCM phối hợp với Công an TP. Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh đã vào cuộc xác minh và xác định đây là thông tin giả mạo, không đúng sự việc. Đối tượng tung hình ảnh đã thừa nhận hành vi sử dụng hình ảnh cắt ghép lồng ghép nội dung xuyên tạc về vụ tự thiêu rồi phát tán lên Facebook…

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, những thông tin giả mạo về Covid-19 đang gây ra sự hoảng loạn không cần thiết. Những thông tin giả mạo, độc hại về Covid-19 đang được lan truyền với những mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ là những thông tin không chính xác về số ca nhiễm Covid-19. Nặng là những thông tin bôi nhọ, kích động.

“Những thông tin giả mạo, bôi nhọ, kích động ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân, đến công tác phòng chống dịch và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sự lo lắng về dịch Covid-19 là cần thiết nhưng phải bình tĩnh và không được hoảng loạn trước những thông tin xấu, độc.”- ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Không chỉ là những thông tin giả mạo, ông Nguyễn Anh Trí cũng bức xúc trước việc nhiều người đã lợi dung dịch Covid-19 để buôn bán những sản phẩm giả trên mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.

“Nhiều nơi giao bán test giả với giá cả khác nhau. Thậm chí cả vaccine giả. Thế giới cũng bị trả giá rồi. Ví dụ như Ấn Độ, hàng nghìn người bị tiêm vaccine giả. Tôi mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng phải vào cuộc rốt ráo hơn để xử lý triệt để tin giả, buôn bán giả liên quan đến dịch Covid-19.”- ông Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Liên quan đến việc một số cơ sở thậm chí là cá nhân đứng ra nhận tiêm Vaccine ngừa Covid-19, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong bối cảnh khan hiếm vaccine, khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu của nhân dân rất lớn thì đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng.

Đứng ở góc độ Y khoa, ông khẳng định, việc một số cơ sở hay cá nhân tự nhận tiêm vaccine là vấn đề rất nguy hiểm. Bởi tất cả các nguồn vaccine về Việt Nam hiện nay đều phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm, quyết định và cấp phép.

“Có thể sắp tới chúng ta sẽ mở rộng và cấp phép cho các cơ sở ngoài công lập có năng lực tham gia cung cấp dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 nhưng đến tại thời điểm này, ở Việt Nam không có loại vaccine nào mà cá nhân, tổ chức có thể tự kiếm về được cả. Tất cả đều được quản lý bởi cơ quan nhà nước. Do vậy, người dân muốn tiêm vaccine thì phải đi theo hệ thống quản lý hành chính của nhà nước, theo cơ quan... Tuyệt đối không sử dụng dịch vụ tiêm vaccine trôi nổi.” - ông Trí khuyến cáo.