Nhằm giúp người lao động có thêm những kiến thức và kỹ năng trong quá trình làm việc, hàng năm Truyền tải điện Tây Bắc lên phương án khảo sát, đánh giá xác định nhu cầu và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo.

“Chúng tôi đào tạo có thể tập trung, có thể trực tiếp. Ví dụ có tình huống vừa xảy ra trong ca trực hoặc có những khiếm khuyết phát sinh thì chúng tôi tổ chức hướng dẫn, đào tạo luôn. Vì thế anh em có tay nghề tốt, đáp ứng yêu cầu về sản xuất” - anh Nguyễn Phúc Tiệp, Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên cho biết.

Mặc dù có 5 cán bộ, công nhân viên đảm đương khối lượng lớn công việc, song các thành viên Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên luôn đẩy mạnh tinh thần tự giác học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học. Các nội dung được đưa vào chương trình đào tạo như bảo dưỡng máy biến áp và hệ thống điều khiển tích hợp; đào tạo hệ thống bảo vệ và tự động hóa Trạm biến áp cho cán bộ kỹ thuật.

Bản thân từng cá nhân trong đơn vị như anh Vũ Hà Thành luôn tích cực, hăng hái đổi mới và sáng tạo trong quá trình quản lý vận hành. “Hàng tháng chúng tôi bồi huấn về một nội dung nào đó, rồi tổ chức diễn tập một sự cố giả định để rút kinh nghiệm, đề phòng xảy ra” - Anh Thành chia sẻ.

Theo anh Dương Văn Thành, cán bộ Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, việc tổ chức các khóa đào tạo, lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân viên có ý nghĩa quan trọng trong định hướng, giúp các đơn vị triển khai tốt mọi nhiệm vụ mới.

Anh Thành kể “Hàng tháng chúng tôi có một bài test để kiểm tra lại kiến thức vận hành. Bởi sự cố nhiều khi không giống nhau, rất đa dạng. Đó là những bài học thiết thực nhất trong vận hành”.

Trong công tác chuyển đổi số, Truyền tải điện Tây Bắc tăng cường xây dựng các chương trình đào tạo cho người lao động trực tiếp cả về đường dây và trạm. Giờ đây, để kiểm tra đường dây, anh Nguyễn Ngọc Tuấn, công nhân Đội truyền tải điện Việt Trì không phải cầm dao đi tuyến trèo cột như trước mà chỉ cần sử dụng máy tính bảng và điều khiển thiết bị bay không người lái UAV.

Anh Tuấn cho biết, anh và đồng nghiệp thường xuyên được tiếp cận với các lớp đào tạo, tập huấn không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn được học những kỹ năng khác. Qua đó cán bộ, công nhân viên được đào tạo tốt tay nghề, thuần thục khi xử lý sự cố.

Bên cạnh việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, Truyền tải điện Tây Bắc còn phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức các khóa đào tạo dài hạn trang bị những kiến thức mới cho cán bộ, công nhân viên. Anh Dương Văn Thành mong muốn được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các đơn vị truyền tải điện khác để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ.

“Thiết bị mỗi trạm không giống nhau nên việc giao lưu giữa các đơn vị truyền tải sẽ giúp học thêm những công nghệ mới, nâng cao kiến thức và hỗ trợ cho công việc tốt hơn” – anh Thành cho biết thêm.

Nhờ có nền tảng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tốt, đội ngũ cán bộ công nhân viên Truyền tải điện Tây Bắc được rèn luyện có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi. Từ đó có nhiều sáng kiến, cải tiến và đổi mới kỹ thuật trong tiến trình số hóa của đơn vị, mang lại hiệu quả tối ưu trong quản lý, vận hành lưới truyền tải điện quốc gia./.