Từng đóng BHXH hơn chục năm, nhưng gần đây công ty của anh Nguyễn Văn Đông (Cầu Giấy, Hà Nội) gặp khó khăn khiến anh phải nghỉ việc. Sau nhiều tháng không kiếm được việc làm mới, rồi liên tục gián đoạn vì dịch covid-19, thu nhập không có, anh Đông quyết định rút BHXH một lần để giải quyết chi tiêu trong giai đoạn túng thiếu. "Tiền tiết kiệm không có, trong khi vẫn phải lo đủ thứ từ ăn uống, sinh hoạt, học phí, rồi thuốc men cho người già, nếu không rút thì không có gì để chi tiêu. Giờ còn trẻ mà không lo được thì tính gì đến chuyện về già", anh Đông chia sẻ.

Còn anh Phạm Vinh Quang (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) lại rút bảo hiểm vì lý do khác. 2 năm dịch bệnh, nhà có 2 xe du lịch nằm một chỗ, không có nguồn thu, chỉ còn mỗi khoản đóng bảo hiểm nên anh rút hết để chi tiêu cho cuộc sống. Gần 50 tuổi nhưng anh chưa nghĩ gì đến chuyện hưu trí sau này. Với anh cứ có tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt đã còn sướng hay khổ là chuyện của mai sau. “Thời gian đóng BHXH lâu, biết bao giờ cho đủ 60 tuổi mà biết mình có sống được đến tuổi đấy không để mà hưởng lương hưu, khổ đến đâu thì mình chịu vậy thôi” – anh Quang giãi bày.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý có tới 97% người chọn rút một lần là lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỉ lệ này ở nữ giới là hơn 55%. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20-30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước.

Tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần tuy không mới nhưng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch covid 19 bùng phát. Đây được coi là thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội vì hiện nay chúng ta mới có gần 34 % người được tham gia BHXH. Nếu người rút BHXH nhiều hơn số người đóng sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí về sau.

Theo ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động rút BHXH 1 cách ồ ạt trong thời gian qua. Thứ nhất là do kinh tế, một bộ phận người lao động có việc làm, thu nhập không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh; thứ 2 là chính sách của ta chưa đủ hấp dẫn; thứ 3 là thủ tục rút bảo hiểm 1 lần ngày càng dễ dàng; thứ 4 là việc giải thích, tuyên truyền của chúng ta chưa tốt, chưa làm cho người lao động tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội. Có người rút do khó khăn thực sự nhưng cũng có người rút theo phong trào vì họ thấy không yên tâm liệu đến khi không đủ sức lao động có rút được hết hay không.

Mặc dù, ở mức khiêm tốn nhưng những năm vừa qua, BHXH đã đảm bảo an sinh xã hội cho gần 3 triệu người hưởng lương lưu với mức bình quân là 5,4 triệu/người/tháng. Rút BHXH 1 lần có thể sẽ giải quyết được tình thế trước mắt, nhưng về lâu dài 10 – 20 năm nữa khi không đủ khả năng lao động, người lao động sẽ không có lương hưu, không có tích lũy, phải sống phụ thuộc vào con cháu.

Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần, mới đây trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH 1 lần thì chỉ được rút phần mình đóng là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay, còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.

Lương hưu là yếu tố cần thiết cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc vào con cháu. Song, mức hưởng lương hưu còn căn cứ vào số năm đóng và mức đóng. Vì vậy, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, sẽ mất đi số năm tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu có đóng tiếp, mức hưởng lương hưu sau này của người lao động sẽ không cao. Phần của doanh nghiệp đóng sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì được hưởng. Như vậy, theo ông Phạm Minh Huân đề xuất này thể hiện sự chia sẻ, vai trò của nhà nước, doanh nghiệp lo cho tương lai của người lao động.

Doanh nghiệp tham gia đóng 14% vào quỹ bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ rủi ro. Lúc còn trẻ, người lao động chưa đối mặt rủi ro như sức khoẻ suy giảm, không có thu nhập thì chưa thể chia sẻ. Trong cuộc sống, người lao động sẽ gặp nhiều biến cố, có những lúc gặp khó khăn. Theo ông Phạm Minh Huân để chính sách này đạt hiệu quả thì cần phải nghiên cứu kỹ và có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn cũng cần giải thích cụ thể, rõ ràng tránh gây “sốc” cho người lao động. “14% chủ sử dụng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm xã hội. Đây là phần nhà nước, doanh nghiệp đóng để lo tương lai của người lao động. Khi tuổi họ đã cao, không còn sức lao động sẽ có lương hưu để trang trải cuộc sống” – Ông Huân nhấn mạnh.

Việc nhận BHXH một lần có thể được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi quyền lợi người lao động bị hạn chế nhiều so với việc hưởng lương hưu. Tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này. Bởi vậy, song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động thì việc sửa đổi, điều chỉnh Luật BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn là phương án thực tế để tạo niềm tin và giúp người lao động an tâm đóng BHXH./.

Mời nghe chương trình tại đây: