Đã đến lúc cần thực hiện "di chuyển xanh"

Sau rất nhiều nỗ lực, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đông dân đã đạt được tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 cao. Tính đến ngày 8/9, tỷ lệ tiêm vaccine tại TP. HCM (89,8%); Hà Nội (56,8%); Bình Dương (71,6%).

Tại TP. Hồ Chí Minh, khi quyết định tiếp tục giãn cách đến ngày 16/9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc di chuyển của người dân tiếp tục được kiểm soát đồng thời mở rộng thêm một số đối tượng được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những người đã tiêm phòng, đặc biệt đủ 2 mũi không được nhắc tới trong các đối tượng được tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội.

Còn tại Hà Nội, dù sau rất nhiều lần thay đổi trong việc cấp giấy đi đường cho một số nhóm đối tượng căn cứ vào nhiệm vụ, công việc cũng chưa lần nào đề cập đến người đã được tiêm 2 mũi vaccine. Điều này cũng tương tự tại các tỉnh thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc những người đã tiêm vaccine cần được cho vào nhóm đối tượng tham gia lao động, sản xuất trở lại. Đây cũng là 1 trong những biện pháp để chúng ta chuyển từ "chống dịch như chống giặc" sang "sống chung với Covid", dần từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Bác sỹ Trần Văn Phúc, hiện đang công tác tại bệnh viện Xanh-pôn khẳng định, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang ở trong tình trạng khan hiếm vaccine. Bởi lẽ đó, việc tiêm bao phủ cho tất cả các tỉnh thành đòi hỏi thời gian dài. Việc chờ đợi miễn dịch cộng đồng nhờ vào tiêm chủng căn cứ trên tỷ lệ tiêm phủ gần 100% sẽ rất khó thực hiện được ở thời điểm này. Tuy nhiên, với những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội đáng được coi là con số “trong mơ”, phù hợp cho mở cửa từng bước một cách chắc chắn, người đã tiêm đủ 2 mũi có thể tham gia các hoạt động lao động, sản xuất.

TS Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc đồng thời là một người làm nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học cho rằng, việc “di chuyển xanh” của những người đã tiêm 2 mũi vaccine trong đó có các chuyên gia, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, những người tham gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là điều hết sức cấp thiết lúc này.

Theo TS Trần Hải Linh, nguyên tắc cơ bản của sống chung với Covid-19 là: Không để hệ thống y tế quá tải lâu dài và “nới lỏng từng phần” để duy trì các hoạt động để duy trì sản xuất và phục hồi kinh tế, đảm bảo cuộc sống thường nhật và cần thiết cho nhân dân.

Khái niệm "di chuyển xanh” rộng hơn "thẻ xanh vaccine". "Di chuyển xanh" sẽ đặt điều kiện cho từng nhóm đối tượng được trở lại cuộc sống “bình thường mới” gồm: Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, người tiêm 1 mũi vaccine đã qua 14 ngày và các F0 đã khỏi bệnh.

"Di chuyển xanh" không đồng nghĩa với thả nổi những người đã tiêm

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam cho người tiêm đủ 2 mũi, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.

Theo BS Trần Văn Phúc, những người đã tiêm vaccine ít nhất là 1 mũi và tốt nhất khi đủ hai mũi được xem như điều kiện đầu tiên trong "di chuyển xanh". Ngoài ra còn cần các điều kiện khác. Người đã tiêm vẫn có thể nhiễm Covid và nếu họ chủ quan, không có biện pháp phòng vệ cá nhân, phòng vệ cộng đồng sẽ giống như những quả bom gieo rắc dịch bệnh. "Chính vì vậy sự cẩn trọng của Bộ Y tế để đảm bảo cả điều kiện cần và đủ là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay”, bác sỹ Trần Văn Phúc đồng tình.

Theo TS Trần Hải Linh, "di chuyển xanh" với người đã tiêm vaccine và F0 khỏi bệnh phải phân chia theo từng loại hình di chuyển: đường hàng không; đường bộ liên tỉnh; đường bộ liên quận, huyện với những điều kiện đủ ở từng mức độ. Theo đó sẽ có các điều kiện đủ như 5k, test nhanh kháng nguyên, quét mã QR...

Tuy nhiên, TS Hải Linh cho rằng quan trọng nhất là áp dụng được công nghệ. Đây là điểm còn lúng túng tại Việt Nam thời gian qua. Kinh nghiệm Hàn Quốc thì cần phải áp dụng các công cụ để số hóa và đẩy nhanh tiến độ hiển thị và lưu giữ dữ liệu trên hệ thống. Số hóa và áp dụng công nghệ ở đây cần được thực hiện theo nguyên tắc đơn giản, hiệu quả, đồng nhất, ứng dụng mọi lúc mọi nơi.

Ví dụ Hàn Quốc có hệ thống quản lý sức khỏe quốc gia, dù ở đâu cũng có thể kiểm tra được một mã QR chung, việc định danh và kết hợp giữa chính phủ với người dân rất rõ. Khi áp dụng công nghệ như vậy không còn nỗi lo viết tay hay ùn tắc vì kiểm tra giấy tờ. Đến bất cứ địa điểm nào chỉ giơ máy điện thoại ra là máy quét được người này từng bị nhiễm chưa, tiêm đủ chưa, đang ở đâu, có gì cần chú ý không. Nếu đáp ứng điều kiện thì đi qua, không đáp ứng thì mời quay lại. Nhờ "di chuyển xanh" kết hợp với công nghệ, Hàn Quốc dù số ca mắc mỗi ngày 1-2 nghìn nhưng người dân vẫn có thể sinh sống, đi lại, làm việc và sinh hoạt bình thường.

Từ kinh nghiệm Singapore, bác sỹ Phúc cho rằng tới đây khi cho phép người đã tiêm vaccine di chuyển và độ phủ vaccine rộng hơn, không thể cào bằng giữa người đã tiêm với những người chưa chấp nhận việc tiêm vaccine, chưa tìm hiểu kỹ về dịch bệnh. “Chúng ta sẽ chấp nhận câu chuyện “không tiêm sẽ bị đối xử khác” như việc hạn chế di chuyển. Thế giới cũng đã thực hiện việc có những người không được vào nhà hàng, không vào sân vận động.... nếu chưa tiêm”, bác sỹ Trần Văn Phúc chia sẻ.

Việc tiêm chủng chỉ có giá trị trong giảm lây nhiễm, ngăn việc bệnh trở nặng dẫn tới tử vong nên tất cả những người đã tiêm cần thực hiện tốt 5k của Bộ Y tế, cập nhật những thông tin diễn biến dịch bệnh để có những ứng xử phù hợp. Chính điều này mới đảm bảo “di chuyển xanh” thực sự an toàn.

Mới đây, thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch bàn cùng các bộ, ban ngành liên quan để đưa ra để xuất phù hợp cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Từ kinh nghiệm của các nước cũng như các điều kiện thực tế của Việt Nam, những quy định về "di chuyển xanh" với người đã tiêm vaccine được kỳ vọng sẽ sớm ban hành.

Mời các bạn nhấn nút nghe nội dung trao đổi tại đây: