Hơn 500 triệu Euro phục vụ việc xây dựng tuyến đường sắt này đến từ nước Pháp thông qua các khoản vay ưu đãi từ Tổng cục Kho bạc Pháp, Bộ Kinh tế, Tài chính, chủ quyền công nghiệp và số hóa cùng Cơ quan phát triển Pháp dành cho Việt Nam. Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng đầu tư Châu Âu đồng tài trợ cho dự án này.

Đúng 8h ngày 8/8/2024, dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố, đoạn Nhổn-ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại hứa hẹn từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân phía Tây thành phố.

Đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3) gồm 8 ga có chiều dài 8 km kết nối Nhổn đến Cầu Giấy bằng phương tiện giao thông đảm bảo môi trường, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Theo thống kê của công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác miễn phí đã đón và phục vụ khoảng 750.000 lượt khách đi tàu. Trong đó, lượng khách trải nghiệm tăng đột biến vào cuối tuần với hơn 100.000 lượt. Ngày thấp nhất cũng có gần 35.000 lượt khách.

Đoạn tuyến ngầm gồm 4 ga tiếp theo đến ga Hà Nội sẽ được vận hành vào cuối năm 2027.

Dự kiến, tuyến đường sắt số 3 sẽ được kéo dài, tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo, thêm 8 km xuống khu Hoàng Mai, phía Nam thành phố.

“Phía cơ quan phát triển Pháp cũng như Liên minh Châu Âu đã trao đổi với thành phố Hà Nội và xem xét phương án để có thể tài trợ cho dự án tuyến 3.2 này. Ngoài dự án Metro, phía Pháp cũng mong muốn tiếp tục đồng hành với Việt Nam không chỉ ở Hà Nội mà cả thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác để phát triển đa phương thức giao thông công cộng kết nối giao thông đường sắt với xe buýt cùng các hình thức giao thông khác thân thiện với môi trường, đặc biệt xe đạp”, ông Oliver Brochet, đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ.

Cùng nguồn tài chính, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội được triển khai bằng các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực này. Có thể kể đến các công ty như Alstom, Thales và Colas Rail đã cung cấp đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, đường tay và các thiệt vị cơ điện tại các ga. Hệ thống thẻ vé do công ty RATP Smart Systems cung cấp. Công ty Systra hỗ trợ Ban quản lí đường sắt đô thị Hà Nội trong công tác tư vấn. Việc chứng nhận an toàn hệ thống do Bureau Veritas, APAVE và Certifer thực hiện.

Tại buổi giới thiệu dự án, đại diện các đơn vị đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm cũng như bài học quý báu cho công tác xây dựng, vận hành, bảo trì cũng như kết nối các phương tiện giao thông đô thị khác nhằm tạo nên một mạng lưới giao thông nội thị theo mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng không khí cho thành phố.

“Chúng tôi mong muốn các nhà thầu Pháp tiếp tục giữ vững tinh thần trách nhiệm và hợp tác cùng Ban quản lí Đường sắt đô thị Hà Nội vượt qua những khó khăn để đưa toàn bộ tuyến đường sắt vào vận hành sớm nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm và năng lực của các nhà thầu cùng sự hỗ trợ không ngừng của chính phủ Pháp, dự án sẽ bám sát tiến độ và đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nhấn mạnh.

Có thể khẳng định việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội-tuyến số 2 của Việt Nam đi vào vận hành đã minh chứng cho những nỗ lực cũng như năng lực thực hiện các dự án phức tạp, quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông đô thị. Đây cũng được xem như biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững.